Chăn nuôi heo lãi khủng quý 3
Đa phần các doanh nghiệp thuộc nhóm chăn nuôi heo đều tăng lãi mạnh trong quý 3/2024. Nguyên nhân chính là do giá heo hơi trung bình cả nước có sự chênh lệch lớn giữa 2 kỳ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giá rẻ.
Quý 3/2023, giá heo hơi trung bình cả nước từ mức đỉnh hơn 61,000 đồng/kg đã liên tục lao dốc, về ngưỡng chưa tới 50,000 đồng/kg ở thời điểm kết thúc tháng 9. Trong khi đó, tại quý 3 năm nay, giá heo dao động quanh ngưỡng 65,000 đồng/kg, có lúc vọt lên đến ngưỡng gần 70,000 đồng.
Nhìn chung, mức chênh giá heo giữa 2 kỳ kinh doanh dao động khoảng 30-40%, và sự chênh lệch này đã phản ánh rất rõ vào kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo trong quý 3.
Dẫn đầu về mức tăng trưởng là Dabaco (HOSE: DBC). Quý 3, “trùm chăn nuôi” lãi ròng tới 312 tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ. Dù mức nền so sánh quả thực khá thấp, nhưng đây vẫn là mức lãi rất khủng của Dabaco, gần như ngang ngửa với thời kỳ 2020-2021.
Dabaco giải thích, nguyên nhân do tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (cả nội địa và nhập khẩu) ổn định, và giá heo hơi trong nước tăng. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh (dịch tả heo châu Phi ASF) diễn biến phức tạp tạo áp lực về nguồn cung, nhưng do kiểm soát được dịch nên Doanh nghiệp giữ được đàn và tăng sản lượng heo bán ra.
Doanh nghiệp “heo ăn chay” BAF có quý tăng trưởng tốt với 60 tỷ đồng lãi ròng, hơn cùng kỳ 54%. Một phần nguyên nhân nhờ doanh thu bán heo quý 3 gấp 2.3 lần cùng kỳ, đạt 856 tỷ đồng, chiếm 65% cơ cấu doanh thu, nhờ sản lượng bán heo tăng mạnh (163 ngàn con). Mặt khác, nhờ tự chủ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong khi giá nguyên liệu rẻ hơn, giá vốn của BAF chỉ tăng nhẹ. Ngoài ra, tương tự Dabaco, BAF kiểm soát tốt ảnh hưởng của dịch bệnh, và cũng hưởng lợi từ việc giá heo hơi duy trì ở mức cao.
Mảng nông nghiệp của Hòa Phát (HPG) cũng có kết quả thuận lợi với doanh thu tăng 21%, lên hơn 1.8 ngàn tỷ đồng, cùng 281 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 80% so với cùng kỳ.
Trường hợp HAG (Hoàng Anh Gia Lai) có phần khác biệt. Quý 3, doanh nghiệp của bầu Đức lãi lớn với 332 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ trọng lớn trong doanh thu lại là từ bán trái cây (chuối, sầu riêng). Mặt khác, doanh thu cũng giảm tương đối mạnh với 24%, chỉ đạt 1.4 ngàn tỷ đồng, trong đó doanh số bán heo giảm sâu nhất với 52%, chỉ đạt 234 tỷ đồng, theo sau là doanh thu bán trái cây 912 tỷ đồng, giảm 11% và chiếm 64% tỷ trọng tổng doanh thu.
2 doanh nghiệp mảng chế biến cũng đạt kết quả tương đối tốt. Vissan (UPCoM: VSN) lãi 33 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ nhờ kiểm soát tốt chi phí. Masan Meatlife (UPCoM: MML) lần đầu có lời sau 2 năm liên tục thua lỗ. Công ty cho biết, doanh thu từ mảng thịt ủ mát và thịt chế biến có sự tăng trưởng. Đồng thời, chi phí sản xuất được kiểm soát tối ưu, đặc biệt là mảng trang trại gà và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm đã góp phần làm tăng lãi gộp.
Với kết quả quý 3, bức tranh lũy kế của nhóm chăn nuôi heo không có nhiều khác biệt. Sau 9 tháng, Dabaco lãi 530 tỷ đồng, gấp 28 lần cùng kỳ; BAF lãi 214 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ; mảng nông nghiệp HPG lãi gấp hơn 7 lần, đạt 689 tỷ đồng. Riêng MML tuy vẫn lỗ 72 tỷ đồng, nhưng là sự phục hồi mạnh so với cùng kỳ lỗ 318 tỷ đồng. Hơn nữa, Doanh nghiệp đặt mục tiêu lỗ sau thuế 400 tỷ đồng trong năm 2024, nên kết quả này có thể xem là thành công.
Quý 4 có khác biệt?
Cập nhật tới ngày 8/11, giá heo hơi trung bình cả nước đang dao động quanh ngưỡng 61,500 đồng/kg. Dù đã giảm so với quý 3, nhưng nhìn chung vẫn đang cao hơn mức trung bình quý 4/2023. Việc giá heo tiếp tục neo cao hơn cùng kỳ tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp trong ngành.
Nguồn cung heo có khả năng bị hạn chế trong quý 4 vì tác động của dịch bệnh ASF. Trao đổi với nhà đầu tư, ông Ngô Cao Cường, CFO của BAF cho biết, dịch ASF khiến nhiều trang trại phải bán tháo heo (hay heo chạy dịch), làm nguồn cung tăng lên trong ngắn hạn, rồi sau đó không còn heo để tái đàn. Ảnh hưởng này còn nghiêm trọng hơn sau bão Yagi hồi cuối tháng 9 vừa qua, vì nước lũ mang đến nguy cơ dịch bệnh cao.
Bên cạnh đó, nhiều trại tại miền Bắc bị ngập úng lâu ngày dẫn đến hư hỏng trang thiết bị, thậm chí sập và phải xây mới. Quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian, ít nhất từ 6 tháng đến hơn 1 năm để hoàn tất chuẩn bị, chưa tính thời gian nuôi heo để tái đàn. Do vậy, nguồn cung heo trong giai đoạn sắp tới sẽ thiếu hụt, có thể kéo giá heo đi lên, và là cơ hội cho các đơn vị chăn nuôi công nghiệp bảo vệ được đàn bứt phá.
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/chan-nuoi-heo-lai-khung-quy-3-79103.html