Cựu chiến binh Lục Yên thi đua phát triển kinh tế
Những năm qua, phong trào 'Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi' đã trở thành một phong trào lớn trong Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp trên địa bàn huyện Lục Yên, trở thành động lực thôi thúc các CCB vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Là một trong những hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, hội viên CCB Nguyễn Thị Năng ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng đã thành công từ mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp. Nhận thấy nhu cầu về phân bón, thức ăn chăn nuôi của người dân, bà Năng đầu tư mở cửa hàng kinh doanh cung cấp thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón cây trồng.
Sau khi tham khảo, học hỏi, bà Năng tiếp tục đầu tư mua máy móc, xây dựng cơ sở sản xuất phân viên nén dúi sâu. Những năm đầu, bà gặp khó khăn do vốn ít nên lượng hàng chưa đa dạng, thị trường tiêu thụ hạn hẹp... Để tháo gỡ khó khăn, bà Năng vay vốn Ngân hàng CSXH, khảo sát tìm hiểu nhu cầu thị trường, đồng thời tìm nguồn hàng hợp lý, đảm bảo chất lượng.
Bà Năng chia sẻ: "Tôi luôn xác định đề cao chữ tín và lấy đó làm yếu tố quyết định sự thành bại. Khi có được niềm tin, thì cần phải giữ để tạo động lực phát triển…”. Đến nay, cơ sở sản xuất phân viên nén dúi sâu của bà Năng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, được công nhận phân bón đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường.
Từ mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp, hàng năm bà Năng có thu nhập đạt từ 300 triệu đồng, qua đó tạo việc làm thời vụ cho từ 6 - 8 lao động có thu nhập đạt 300 nghìn đồng/ngày. Quyết tâm không cam chịu đói nghèo, CCB Nguyễn Văn Hường ở thôn Kiên Cố, xã Minh Xuân tiên phong, sáng tạo đi đầu trong phát triển kinh tế.
Qua tìm hiểu các kênh thông tin, ông Hường trực tiếp tham quan, học hỏi kỹ thuật mô hình nuôi hươu sao tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Từ năm 2014, ông Hường cải tạo khu chuồng chăn nuôi lợn hiệu quả kém trước đó, tạo ô chuồng, chuyển đổi sang chăn nuôi hươu sao.
Bên cạnh đó, ông tiếp tục đầu tư mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ nông nghiệp và sản xuất chậu hoa cây cảnh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập của gia đình ông luôn đạt trên 200 triệu đồng.
Hội CCB huyện Lục Yên hiện có 26 cơ sở hội trực thuộc, 192 chi hội, với gần 4.500 hội viên. Trở về cuộc sống đời thường, nhiều CCB quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vươn lên trở thành điển hình trong phát triển kinh tế.
Để hỗ trợ hội viên, hàng năm Hội CCB phối hợp mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện, tạo điều kiện cho gần 3.000 hộ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ 192 tỷ đồng.
Ngoài ra, bằng nguồn vốn nội lực, các cơ sở Hội xây dựng Quỹ đồng đội được trên 2,5 tỷ đồng, giúp hội viên vay vốn sản xuất. Toàn Hội hiện có 195 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến; 150 gia trại do hội viên CCB làm chủ tạo việc làm cho hàng trăm lao động là con em CCB có thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Đời sống hội viên CCB ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 118 hộ, bằng 2,7%; hộ cận nghèo còn 146 hộ chiếm 3,4%.
Đồng chí Phan Văn Việt - Chủ tịch Hội CCB huyện Lục Yên cho biết: "Nổi bật trong phát triển kinh tế của hội viên CCB trên địa bàn là dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với từng địa phương. Thời gian tới, Thường trực hội xây dựng kế hoạch tiếp tục phát huy có hiệu quả các nguồn vốn vay từ Trung ương hội, Ngân hàng CSXH và các tổ chức cơ sở hội để áp dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, phát huy hiệu quả những mô hình có hiệu quả, nhân rộng trong toàn huyện…”.
Phong trào thi đua CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Lục Yên đã góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống các hội viên và xây dựng NTM ở địa phương ngày càng phát triển.