Công ty Cổ phần Logistics Portserco chia cổ tức tiền mặt tới 350%
Công ty Cổ phần Logistics Portserco (HNX: PRC) vừa thông báo chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 với một tỷ lệ gây giật mình 350%. Đây là khoản tiền được chia từ lợi nhuận đột biến do chuyển nhượng tài sản tại khu công nghiệp dịch vụ Đà Nẵng.
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/3, dự kiến chi trả vào 20/4. Tỷ lệ 350% có nghĩa mỗi cổ đông đang sở hữu 1 cổ phiếu của PRC sẽ nhận được số tiền là 35.000 đồng. Trên thị trường, PRC có 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, Doanh nghiệp sẽ cần chi ra khoảng 42 tỷ đồng để hoàn tất đợt thanh toán này cho cổ đông.
Công ty Cổ phần Logistics Portserco có tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ tổng hợp Cảng Đà Nẵng, được thành lập ngày 15 tháng 8 năm 1993, có chức năng cung cấp các sản phẩm dịch vụ hậu cần cảng về kho bãi, giao nhận và vận chuyển hàng hóa; kinh doanh thương mai nhiên liệu, dầu nhớt, các loại thiết bị, vật tư kỹ thuật.
Ngày 26 tháng 9 năm 2002 đơn vị chuyển sang mô hình cổ phần theo quyết định số 3086/2002/QĐ- BGTVT của Bộ GTVT với tên gọi là Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Cảng Đà Nẵng và tên giao dịch tiếng Anh là Portserco.
Năm 2010 Công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán là PRC. Để thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp Logistics hàng đầu tại miền Trung- cung cấp dịch vụ Logistics 3PL cho khách hàng, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 đã quyết định đổi tên Công ty thành Công ty cổ phần logistics Portserco.
Xét tổng tiền thực chi, con số 42 tỷ đồng có lẽ chẳng thấm vào đâu so với hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng tiền mặt trả cổ tức của một số doanh nghiệp khác. Tuy nhiên xét trên tỷ lệ chi trả, 350% là con số cao đến giật mình.
Thống kê năm 2022, tỷ lệ trả cổ tức cao nhất chỉ là 120%, thuộc về Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết (PTG). 350% cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay của chính PRC, bởi kể từ khi niêm yết vào cuối tháng 11/2010, mức cổ tức cao nhất doanh nghiệp này từng chi trả là 20%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp nhận được 2,000 đồng.
Doanh nghiệp ngành vận tải và logistics này đã trải qua năm 2022 với khoản lợi nhuận gần 50 tỷ đồng, gấp đến 37 lần năm 2021 và cũng là mức lãi cao kỷ lục kể từ năm 2008. Kết quả kinh doanh những năm trước đó, PRC tỏ ra tương đối nhạt nhòa. Ngoại trừ năm 2009 có lợi nhuận 16 tỷ đồng, những năm còn lại chỉ thu lãi từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022, doanh thu năm qua của PRC không có nhiều biến động, đạt gần 107,4 tỷ đồng, tăng 24%. Giá vốn cũng tăng hơn 28% khiến lãi gộp của Công ty chỉ đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 11%. Thậm chí nếu tính riêng hoạt động kinh doanh, PRC lỗ 1,4 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi hơn 600 triệu đồng.
Tuy nhiên, quý 4/2022, PRC nằm ở khoản lợi nhuận khác, tăng đột biến lên tới 64,1 tỷ đồng, gấp 64 lần năm trước. Theo giải trình từ Doanh nghiệp, khoản lãi đột biến này ở quý 4/2022, sau khi PRC hoàn tất việc bán tài sản là dự án kho bãi tổng hợp tại lô B1-13 khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, địa chỉ số 3 Bùi Quốc Hưng, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng vào ngày 12/10/2022.
Vấn đề chuyển nhượng tài sản này đã được ĐHĐCĐ bất thường ngày 19/8/2022 thông qua. Giá chuyển nhượng dự án là 85 tỷ đồng, được bán trực tiếp, không thông qua hình thức đấu giá. Tỷ trọng giá trị giao dịch trên tổng giá trị tài sản doanh nghiệp lên tới gần 80%.
Dự kiến trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, PRC đặt kế hoạch doanh thu 105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ 350 triệu đồng, tương ứng thấp hơn lần lượt 2% và 99,4% so với năm 2022.