Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía
Niên vụ ép mía 2024-2025 dù gặp nhiều bất lợi do thời tiết, nhưng nhờ triển khai kịp thời các chính sách đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, bảo hiểm giá thu mua… Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai về đích sớm so với kế hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người trồng mía.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu
Thời điểm này, vùng nguyên liệu mía của AgriS Gia Lai tại các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh gồm: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa và các vùng lân cận như Hbông (huyện Chư Sê), Kon Chiêng (huyện Mang Yang)… đã thu hoạch xong, về đích sớm hơn so với kế hoạch của Công ty. Đó là sự nỗ lực lớn của AgriS Gia Lai trong vụ ép 2024-2025. Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung tưới nước đối với diện tích mía trồng mới và mía lưu gốc sau thu hoạch.

Nông dân huyện Ia Pa đầu tư hệ thống điện mặt trời tưới nước nhỏ giọt cho cây mía. Ảnh: Nguyễn Lê
Vụ ép 2024-2025, vùng nguyên liệu mía của AgriS Gia Lai đạt hơn 16.000 ha, tăng 1.000 ha so với vụ trước. Nhằm đảm bảo hài hòa trong thu hoạch giữa các vùng nguyên liệu, Công ty đã tổ chức thu hoạch mía sớm hơn so với mọi năm, đồng thời nâng công suất ép của nhà máy lên 8.000 tấn cây/ngày. Cùng với đó, Công ty rút ngắn thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2025 để thu mua kịp thời và giảm áp lực mía bị cháy, tránh gây thiệt hại cho người trồng ở các địa phương trong vùng nguyên liệu.
Cũng trong niên vụ này, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài nên đã ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc cây mía trong vùng nguyên liệu. Song, nhờ chủ động các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nên năng suất mía trong vùng nguyên liệu đạt 75 tấn/ha.
Bên cạnh đó, giá mía nguyên liệu được Công ty tiếp tục thu mua ổn định trên 1,1 triệu đồng/tấn với mía đạt 10 chữ đường (10CCS), giúp người trồng mía có lợi nhuận cao hơn so với cây mì và một số cây trồng khác.
Ông Bùi Đình Thạ (tổ 9, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho hay: Năm 2016, khi AgriS Gia Lai triển khai đầu tư trên địa bàn huyện cũng là lúc gia đình ông bắt đầu trồng mía trên diện tích 3 ha. Trong quá trình trồng, ông Thạ nhận thấy cây mía sinh trưởng tốt. Hơn nữa, năng suất đạt 100-140 tấn/ha, đem lại thu nhập cao hơn so với trồng cây bắp, mì.
Đặc biệt, các chính sách đầu tư từ khâu làm đất, giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm đều được Công ty hướng dẫn cho người dân. Từ đó, gia đình ông bắt đầu mở rộng diện tích mía gần 20 ha.
“Năm 2024, nắng hạn kéo dài nên năng suất mía giảm hơn mọi năm. Vụ ép 2024-2025, gia đình tôi cung cấp hơn 1.500 tấn mía nguyên liệu. Dù sản lượng giảm hơn những vụ trước khoảng 100 tấn nhưng bù lại, giá mía được AgriS Gia Lai thu mua cao nên lợi nhuận đạt 500 triệu đồng. Cùng với diện tích mía hiện có tại huyện Krông Pa, gia đình còn thuê đất trồng mới 65 ha tại xã Gào, TP. Pleiku”-ông Thạ bộc bạch.
Còn ông Hoàng Duy Hoàn (thôn Yên Phú, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Tôi gắn bó với cây mía từ lúc Nhà máy Đường Ayun Pa mới thành lập (năm 1995). Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng cây mía, đến nay, AgriS Gia Lai đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng phát triển vùng nguyên liệu bền vững như: cày ngầm, phân hữu cơ, vốn đầu tư, tưới tiết kiệm nước, nhất là chính sách bảo hiểm giá mía 3 vụ liên tiếp thấp nhất 1 triệu đồng/tấn.
Đây là bước đột phá của AgriS Gia Lai để người trồng mía yên tâm sản xuất, không còn lo lắng về đầu ra. Với hơn 5,5 ha mía, mỗi năm, gia đình tôi đạt lợi nhuận vài trăm triệu đồng”.
Kết thúc vụ ép 2024-2025, AgriS Gia Lai tiến hành thu mua toàn bộ mía của người dân trong vùng nguyên liệu đầu tư với sản lượng ước đạt hơn 1,1 triệu tấn, cao hơn so với vụ ép 2023-2024 từ 10 đến 15%. Giá mía cũng được duy trì ổn định ở mức cao giúp người trồng mía có lợi nhuận bình quân 40 triệu đồng/ha.
Phát triển vùng nguyên liệu bền vững
Sau gần 30 năm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại khu vực phía Đông Nam tỉnh, đến nay, AgriS Gia Lai đã mở rộng diện tích sang các vùng lân cận như: Hbông (huyện Chư Sê), Kon Chiêng (huyện Mang Yang) và huyện Chư Pưh. Cây mía đang tìm lại vị trí chủ lực của tỉnh nhờ liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm với AgriS Gia Lai mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.

Cơ giới hóa thu hoạch mía tại các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh. Ảnh: N.L
Thời gian tới, Công ty sẽ nâng công suất ép của nhà máy lên 12.000 tấn mía cây/ngày. Hiện nay, Công ty tiếp tục triển khai các chương trình đầu tư như: hỗ trợ nông dân giống mía mới, dinh dưỡng, cơ giới hóa, đầu tư vốn... giúp nông dân tiếp cận mở rộng vùng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, duy trì các chính sách khuyến khích người trồng mía đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây mía để sản xuất ổn định nhằm nâng cao thu nhập và làm giàu từ cây mía. Đồng thời, Công ty còn tạo mối quan hệ gắn kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân để cùng nhau phát triển cây mía theo hướng bền vững.
Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất gắn thu mua ổn định theo giá thị trường. Đặc biệt, AgriS Gia Lai đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ cây mía nên người trồng mía không còn lo đầu ra như trước đây. Nhờ cây mía, cuộc sống bà con ngày càng khởi sắc, nhiều hộ trở nên giàu có. Chúng tôi mong AgriS Gia Lai tiếp tục đồng hành để bà con nông dân trên địa bàn mở rộng diện tích mía, nâng cao thu nhập.
Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Lan-Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai-thông tin: Những năm gần đây, ngành mía đường Việt Nam phát triển ổn định. AgriS Gia Lai tiếp tục đồng hành với hơn 8.000 hộ trồng mía trong vùng nguyên liệu tại khu vực Đông Nam tỉnh và các vùng lân cận.
Cụ thể, AgriS Gia Lai triển khai nhiều chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững như đưa giống mía mới năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh gây hại cho nông dân sản xuất. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân áp dụng. Tập trung hỗ trợ người trồng mía phân bón hữu cơ cải tạo đất, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch. Đặc biệt, thu mua mía theo giá thị trường để nông dân yên tâm sản xuất.

Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc mía tại xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa. Ảnh: N.L
“Phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững là nhiệm vụ được Công ty quan tâm ưu tiên hàng đầu để gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp. AgriS Gia Lai khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty hỗ trợ kịp thời về vốn, giải pháp kỹ thuật, vật tư nông nghiệp…
Ngoài ra, Công ty hỗ trợ duy tu sửa chữa đường nội đồng trong vùng nguyên liệu, hỗ trợ không hoàn lại khâu làm đất, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật… đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp cùng phát triển bền vững”-Chủ tịch kiêm Giám đốc AgriS Gia Lai nhấn mạnh.
Vụ ép 2024-2025 của Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai đã kết thúc với nhiều thành quả đạt được như giảm diện tích mía cháy, sản lượng mía ép, giá thu mua duy trì ở mức cao, hoàn thành kế hoạch sản xuất sớm hơn mọi năm. Đây là cơ sở để AgriS Gia Lai tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân làm giàu từ cây mía.