Công ty cổ phần Quốc tế Kent: Vượt rào trong đào tạo tiếp viên hàng không
Vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục làm rõ về công tác đào tạo, huấn luyện hàng không của Công ty cổ phần Quốc tế Kent (Công ty Kent), ngay cả khi Cục Hàng không Việt Nam vừa tiến hành thanh tra đơn vị này.
Vi phạm nhiều
Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) vừa hoàn tất công tác thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật chuyên ngành hàng không về huấn luyện hàng không của Công ty Kent.
Công ty Kent có địa chỉ tại 219 - 221, Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM), là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với số vốn 90 tỷ đồng, tương đương 4,089 triệu USD, do ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc là người đại diện pháp luật; Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Quốc Kỳ, kiêm Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel. Ông Kỳ cũng đồng thời là Chủ tịch Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam, đơn vị vừa gửi đề xuất dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng.
Theo Kết luận thanh tra số 3426, Công ty Kent được CAAV cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện huấn luyện hàng không (ATO) vào tháng 11/2018, được phê chuẩn huấn luyện khóa tiếp viên cơ bản. Cho đến thời điểm CAAV bắt đầu tiến hành thanh tra, Công ty Kent đã tổ chức được 7 lớp huấn luyện tiếp viên cơ bản.
Trên trang chủ tại địa chỉ https://kent.edu.vn, Công ty Kent cho biết, trung tâm huấn luyện hàng không - Kent Aviation Training Centre (KATC) là tổ chức duy nhất được cấp giấy phép đào tạo tiếp viên hàng không cơ bản, mang đến cơ hội học tập và rèn luyện chuyên nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành hàng không. Bằng cấp do Kent cấp có giá trị trong nước và quốc tế...
Tuy nhiên, theo đánh giá của CAAV, công tác đào tạo, huấn luyện hàng không của KATC còn nhiều khiếm khuyết. Cụ thể, hiện KATC chỉ có 5 giáo viên cơ hữu, trong đó có 3 giáo viên chuyên ngành hàng không, 32 giáo viên thỉnh giảng (19 giáo viên chuyên ngành hàng không).
Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không cho rằng, số lượng giáo viên thỉnh giảng chuyên ngành hàng không tại KATC lớn hơn 50% (thực tế chiếm hơn 74,3%) là chưa phù hợp với Điều 26, Nghị định số 92/2016/NĐ - CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Điều đáng lưu ý là, việc tuyển chọn, huấn luyện và phê chuẩn giáo viên chưa phù hợp với Tài liệu giải trình tổ chức đào tạo; thiếu phê chuẩn của Giám đốc đào tạo; hồ sơ giáo viên không thể hiện quá trình tuyển chọn, đánh giá, phê chuẩn giáo viên.
Thanh tra CAAV ghi nhận việc từ năm 2018 đến nay, Công ty Kent đã tổ chức huấn luyện 7 lớp tiếp viên hàng không cơ bản cho 168 học viên, trong đó 3 lớp được đào tạo được thực hiện trước khi được cấp ATO. Mặc dù, Kết luận thanh tra số 3426 chỉ coi là “chưa đúng trình tự thủ tục”, nhưng rõ ràng với lỗi vi phạm này, Kent đã “xé rào” tự tuyển sinh trước khi được cấp phép.
Vượt rào
Không chỉ với lỗi vi phạm này, trong Kết luận số 3426, Cục Hàng không Việt Nam phát hiện một số tồn tại thuộc diện “vượt rào” trong công tác đào tạo huấn luyện hàng không của Công ty Kent.
Theo CAAV, tại thời điểm tiến hành thanh tra, Công ty Kent chưa đăng ký ngành, nghề kinh doanh đào tạo nhân viên hàng không theo quy định tại Điều 24, Luật Doanh nghiệp.
Đơn vị này cũng chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ - CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trong Công văn số 6131/SHĐT - ĐKĐT ngày 6/8/2019 gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, cơ quan này đã nhận được hồ sơ của Công ty Kent đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư với nội dung bổ sung mục tiêu dự án. Theo đó, Công ty Kent xin bổ sung lĩnh vực giáo dục sơ cấp (đào tạo nhân viên hàng không) với mã ngành VSIC và dịch vụ hỗ trợ giáo dục (tư vấn giáo dục) với mã ngành 8560.
Sở dĩ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phải phát công văn đi hỏi vì các ngành nghề mà Công ty Kent đề nghị bổ sung không thuộc quy định và lộ trình thực hiện cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.
Hiện chưa rõ các cơ quan chức năng hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM như thế nào, nhưng rõ ràng, Công ty Kent đã thực hiện đào tạo, huấn luyện hàng không ngoài đăng ký kinh doanh trong suốt từ năm 2018 đến nay.
Trong khi còn khá nhiều tồn tại, Công ty Kent đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đào tạo huấn luyện hàng không Việt Nam (VNAS), tại trụ sở số 10/200 - Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) để tuyển sinh các khóa tiếp viên hàng không và các học viên có nhu cầu học các môn nghiệp vụ hàng không. Theo CAAV, việc Công ty Kent ký hợp đồng đào tạo với VNAS có điều khoản huấn luyện là nằm ngoài phạm vi hoạt động của Công ty Kent.
Được biết, tại Kết luận số 3426, Cục trưởng CAAV yêu cầu Phòng tiêu chuẩn an toàn bay thu hồi Giấy chứng nhận số 0034 - ATO để thực hiện cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện huấn luyện hàng không cho Công ty Kent theo đúng quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan.