Công ty Cổ phần Xây dựng Central lọt Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín
Vietnam Report ngày 31/3 vừa công bố Top 10 và Top 5 công ty xây dựng uy tín năm 2025, đáng chú ý là Công ty Cổ phần Xây dựng Central lọt Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín. Các doanh nghiệp được lọc ra từ cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu xếp hạng của Vietnam Report thuộc ngành Xây dựng cập nhật đến ngày 31/12/2024.
Giai đoạn 2024 - 2025 được kỳ vọng là giai đoạn “tái sinh” của ngành Xây dựng. Trong đó, năm 2024 được xem là vùng đệm chuyển giao khi những tín hiệu phục hồi rõ nét dần xuất hiện. Giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng đạt mức tăng trưởng khoảng 7,87%, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế 7,09%, được thúc đẩy bởi vốn đầu tư tăng, mặt bằng lãi suất giảm, trong khi thị trường bất động sản khởi sắc.

Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín.
Theo khảo sát của Vietnam Report, đa số doanh nghiệp trong ngành hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ doanh nghiệp không đạt kế hoạch giảm xuống 36,0%, trong khi 48,0% doanh nghiệp vượt kế hoạch doanh thu và 44,0% có lợi nhuận vượt kỳ vọng. 80,8% doanh nghiệp ghi nhận số lượng dự án triển khai trong năm tăng (cao hơn đáng kể so với mức 47,4% năm 2023).
Đến năm 2025, ngành Xây dựng được kỳ vọng tiếp đà phục hồi và bước vào giai đoạn bứt phá, với tốc độ tăng trưởng mạnh hơn và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào những dự án quy mô lớn. Theo nghiên cứu của Vietnam Report, triển vọng lĩnh vực xây dựng Hạ tầng và Công nghiệp được phần lớn doanh nghiệp đánh giá tốt hơn (lần lượt đạt 92,0% và 88,5%), tiếp theo là Năng lượng và tiện ích (68,0%), Nhà ở (65,4%), Thương mại (38,5%)...
Qua tìm hiểu, Xây dựng là ngành có mức độ rủi ro cao, trong đó, quản trị rủi ro về mặt tài chính là yếu tố cốt lõi duy trì sức khỏe của doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn lưu động vẫn cao, đạt 42,3%;
Song, có tới 84,6% số doanh nghiệp chú trọng đào tạo nhân sự, đảm bảo đủ số lượng lao động đủ trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ và khả năng thích ứng với những yêu cầu yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của các công trình. Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng BIM (mô hình thông tin công trình) ở mức cao tăng từ 65% lên 73,1%, cho thấy công nghệ này đang trở thành tiêu chuẩn trong ngành.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng đang đặt mục tiêu mở rộng hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm ở thị trường quốc tế. Chiến lược này mở ra không gian phát triển rộng lớn cho doanh nghiệp khi nhu cầu về hạ tầng, đô thị hóa và xây dựng công nghiệp tại nhiều quốc gia vẫn đang tăng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trong nước dần bão hòa và cạnh tranh gay gắt. Để hiện thực hóa khát vọng, doanh nghiệp xây dựng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu thông tin và kinh nghiệm (69,2%); rào cản pháp lý (65,4%); biến động tỷ giá ngoại tệ gây rủi ro tài chính (53,8%); khó khăn trong logistics và chuỗi cung ứng (42,3%); khác biệt văn hóa, ngôn ngữ (42,3%)…
Do đó, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, nhân lực và mô hình phát triển bền vững, triển vọng năm 2025 mở ra một giai đoạn tăng trưởng vững chắc hơn cho ngành Xây dựng, nơi những doanh nghiệp có tầm nhìn và chiến lược bài bản có thể nắm bắt cơ hội để thực sự bứt phá.