Công ty CP DAP 2-Vinachem: Nâng cao công tác quản lý môi trường, từng bước sản xuất sạch hơn

Đến thăm Công ty CP DAP 2- Vinachem (Công ty DAP 2) ở Bảo Thắng - Lào Cai ngay sau khi cơn bão số 3 vừa đi qua, chúng tôi được ông Nguyễn Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc Công ty DAP 2 cho biết: Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai, mặc dù bão số 3 gây mưa lớn liên tục trút xuống khu vực miền núi phía Bắc, nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng, công ty đã đảm bảo sản xuất ổn định, không để xảy ra sự cố nào về môi trường.

Theo lãnh đạo DAP 2, toàn bộ nguồn thải phát sinh trong quá trình sản xuất chủ yếu khí thải, nước thải và chất thải rắn, ngay từ giai đoạn thiết kế, xây dựng công ty đã quan tâm lựa chọn công nghệ và dây chuyền công nghệ hiện đại từ châu Âu (EU/G7), nhờ đó, từ khi nhà máy đi vào hoạt động (năm 2015) đến nay quá trình vận hành đảm bảo được các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm đầu ra cũng như bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật và ngành công nghiệp hiện đại.

Trong quá trình sản xuất, công ty đã từng bước nâng cao công tác quản lý môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định của Luật Bảo vệ môi trường, toàn bộ hệ thống quan trắc giám sát khí thải được kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, qua đó đã giúp giám sát chặt chẽ lượng khí thải phát sinh từ quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính vào môi trường, thực hiện sản xuất sạch hơn, từ năm 2017 công ty đã thử nghiệm và sử dụng nguồn nguyên liệu Dầu điều (nhiên liệu sinh khối) thay thế cho dầu FO. Qua đó vừa tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Về xử lý nước thải, công ty đã đầu tư 2 dây chuyền xử lý nước thải sản xuất và nước thải sản xuất. Cụ thể, nước thải sản xuất được thu gom và xử lý tại trạm xử lý nước thải có công suất 960 m³/ngày đêm, đảm bảo đáp ứng quy chuẩn quốc gia QCVN 40:2011/BTNMT.

Nước thải sau khi xử lý có thể được tái sử dụng trong sản xuất hoặc xả ra hệ thống thoát nước của nhà máy, rồi chảy vào suối và cuối cùng ra sông Hồng. Công ty cũng đã hoàn thành lắp đặt đường ống tách riêng nước thải sản xuất và lên kế hoạch kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Tằng Loỏng.

Còn đối với nước thải sinh hoạt, được công ty thu gom và xử lý tại trạm xử lý có công suất 240 m³/ngày đêm, đáp ứng quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, nhà máy sử dụng các thùng rác chuyên dụng để lưu trữ, và các đơn vị có năng lực sẽ đến thu gom và xử lý định kỳ. Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, như băng tải rách, vỏ bao rách, nhựa, kim loại không chứa chất độc hại, được tập kết và xử lý theo đúng quy trình. Các chất thải công nghiệp như tro xỉ than, bã lọc lưu huỳnh, và bã thải gyps, được lưu trữ tại bãi thải gyps rộng 10,5ha, được xây dựng và cải tạo theo tiêu chuẩn xây dựng bãi chôn lấp chất thải nguy hại. Công ty đã xây dựng kho chứa chất thải nguy hại đạt các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hưng: Để thu gom nước rò rỉ của bã thải gyps 10,5ha, công ty đã xây dựng các hố thu bằng bê tông, nền bê tông có gờ ngăn và có mái che, bể thu lắp đặt hệ thống bơm nước để bơm toàn bộ lượng nước đã thu trong bể về hồ chứa bãi Gyps, hệ thống bơm nước hoạt động theo chế độ tự động. Công ty đã khoan giếng lấy mẫu nước ngầm ở phía sau hố thu để kiểm tra mẫu nước tại khu vực, kết quả kiểm tra chất lượng nước đều đạt tiêu chuẩn môi trường.

Bên cạnh đó, công ty cũng đang triển khai đầu tư bổ sung dây chuyền xử lý và tái chế gyps với công suất 850 nghìn tấn/năm để xử lý toàn bộ lượng gyps phát sinh hàng ngày cũng như lượng gyps đã được lưu trữ tại bãi thải. Với tổng mức đầu tư lên đến 159.824 triệu đồng, hệ thống này sẽ giúp giảm đáng kể lượng chất thải gyps, góp phần bảo vệ môi trường.

Đồng thời, công ty cũng thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, giúp giảm tiêu hao nguyên liệu và năng lượng, tăng cường tái sử dụng nước thải và giảm lượng phát thải khí thải và nước thải. Khu vực Nhà máy được trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường làm việc và tăng cường cảnh quan. Kết quả này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một nền tảng sản xuất bền vững trong tương lai.

Theo ông Hưng, từ 1/1/2024, quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ - EPR chính thức được áp dụng, trong đó, quy định về đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì còn chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, thời hạn nộp bản kê khai đóng góp tài chính là trước ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện trách nhiệm tái chế. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại (23/9/2024) Bộ Tài nguyên và môi trường vẫn chưa có văn bản, quyết định ban hành Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: đồng/kg); chưa có hướng dẫn cụ thể đối hình thức thuê đơn vị tái chế và ủy quyền tái chế.

Từ những vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, vừa qua DAP 2 đã báo cáo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để có kiến nghị về chính sách ưu đãi về thuế đối với xử lý chất thải thạch cao PG thành nguyên liệu cho phụ gia sản xuất xi măng góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường; xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%, giảm thuế VAT đối với thạch cao PG sản xuất trong nước xuống 5%;

Sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn xử lý thạch cao PG theo lộ trình được nêu tại các Quyết định số l696/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2014, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2017 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt đế doanh nghiệp không phải ngừng sản xuất.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường có văn bản, quyết định ban hành Fs và có hướng dẫn cụ thể đối hình thức thuê đơn vị tái chế và ủy quyền tái chế.

Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường và quản lý an toàn hồ, đập của bãi thải gyps theo đúng các quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp duy trì, kiểm soát như giai đoạn vừa qua, đồng thời thường xuyên kiểm tra, thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hệ thống bơm thu hồi nước tại các hố thu đảm bảo luôn hoạt động ổn định và tiến hành khảo sát, đánh giá, lấy mẫu giám sát chặt chẽ tình trạng rò rỉ; chăm sóc đảm bảo cây xanh phát triển tốt các khu vực đất trống để cải tạo mặt bằng và tạo cảnh quan môi trường.

Thu Hường

Đồ họa: Hồng Thịnh

Thu Hường - Hồng Thịnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-ty-cp-dap-2-vinachem-nang-cao-cong-tac-quan-ly-moi-truong-tung-buoc-san-xuat-sach-hon-348403.html