Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh

Với phương châm lấy khoa học và công nghệ (KH&CN) làm cơ sở, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, trong những năm qua, Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa đã tập trung nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều giống cây trồng mới, có giá trị cao, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia được lưu hành thương mại hóa.

Sản phẩm hoa giấy ngũ sắc của Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa.

Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, công ty đã chọn tạo thành công 4 giống lúa thuần mới: Lam Sơn 8, Lam Sơn 10, Lam Sơn 116, Thanh Hương với năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng rộng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái từ các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung và duyên hải Nam Trung bộ. Việc nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa áp dụng KH&CN có ý nghĩa hết sức thiết thực trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành sản xuất lúa gạo. Đó là sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng, có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu tốt đối với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp, công ty đã nghiên cứu thành công giống đào kép. Đây là kết quả của Đề tài “Nghiên cứu, sản xuất giống và xây dựng mô hình trồng đào phai kép tại Thanh Hóa”, đã được phổ biến và áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng hoa của cây đào phai kép; đồng thời giảm chi phí, tăng thu nhập cho người trồng đào, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2020, công ty đã triển khai Dự án “Nghiên cứu, hoàn thiện biện pháp kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất một số loài hoa chịu nhiệt phục vụ cảnh quan đô thị Thanh Hóa”. Đến thời điểm này, đã thu nhập, tuyển chọn được một số giống hoa có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, màu sắc hoa đẹp, chịu được nắng nóng, nhiệt độ cao, phù hợp trồng ở các vùng đô thị. Điển hình là đã ghép được hơn 4.000 cây hoa giấy 5 màu, sản xuất đến đâu bán hết đến đó, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho hàng chục hộ dân trong tỉnh.

Song song với việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, công ty còn tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm, trại, phòng thử nghiệm chất lượng giống cây trồng nông nghiệp, xây dựng hệ thống khí lạnh bảo quản hàng ngàn tấn hạt giống/năm. Hoạt động KH&CN đã thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng 200%. Đặc biệt, việc chuyển giao sản phẩm KH&CN là các giống lúa mới cho nông dân; mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, thâm canh lúa đạt hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh của công ty cũng còn nhiều khó khăn. Đó là, để có được những sản phẩm nông nghiệp KH&CN thì cần phải nghiên cứu trong thời gian từ 3 đến 5 năm; lại chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn bởi điều kiện thời tiết, khí hậu nên rủi ro rất cao; trong khi các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho phát triển KH&CN rất thấp hoặc chưa cụ thể. Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi của ngân hàng; chưa được miễn giảm tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực tế trên cho thấy, để các doanh nghiệp KH&CN “sống khỏe” và tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, thì hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách ưu đãi (vốn, đất đai, thuế...) sẽ là những bệ đỡ hết sức quan trọng.

Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cong-ty-cp-giong-cay-trong-thanh-hoa-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-kinh-doanh/129885.htm