Công ty dệt may TP.HCM sa thải hàng nghìn người vẫn chưa có đơn hàng

Trong năm ngoái, Garmex Sài Gòn đã cắt giảm hơn 2.000 lao động và dừng hoạt động sản xuất từ tháng 5/2023. Đến nay, doanh nghiệp dệt may này vẫn chưa có đơn hàng trở lại.

 Công ty dệt may TP.HCM sa thải hàng nghìn lao động vẫn chưa có đơn hàng. Ảnh: GMC.

Công ty dệt may TP.HCM sa thải hàng nghìn lao động vẫn chưa có đơn hàng. Ảnh: GMC.

Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông vừa được công bố, HĐQT CTCP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) cho biết đến nay, công ty vẫn chưa nhận được đơn hàng nào cho ngành may (gồm may trang phục và tủ vải) và chưa giải quyết được hàng tồn kho tủ vải.

Thực tế, kể từ năm ngoái, ngành dệt may đã phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Trong đó, vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ và châu Âu đã khiến sức mua và đơn hàng sụt giảm.

Những yếu tố này đã tác động làm cho giá trị xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Trong bối cảnh đó, Garmex Sài Gòn cũng chỉ nhận được một số đơn hàng gia công nhỏ, giá cạnh tranh để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do năng suất thấp nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Do đó, công ty đã phải cắt giảm hầu hết lao động và tạm ngưng sản xuất từ tháng 5/2023 để giảm thiểu thiệt hại.

Tại ngày 31/12/2023, tổng số lao động của doanh nghiệp chỉ còn 35 người, giảm 2.066 lao động so với năm 2022. Tính chung 2 năm gần nhất, doanh nghiệp này đã cắt giảm tổng cộng khoảng 3.775 lao động.

Dù chưa có đơn hàng trở lại, Garmex Sài Gòn vẫn lên kế hoạch kinh doanh rất tích cực với doanh thu hơn 50 tỷ đồng và lãi ròng đạt tới 40 tỷ đồng trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, công ty cần cải thiện mạnh mẽ lãi sau thuế, đặc biệt sau khi đã lỗ gần 85 tỷ đồng và 52 tỷ đồng trong hai năm trước.

Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp dệt may này phụ thuộc nhiều vào hoạt động bán tài sản. Ngoài máy móc và thiết bị, công ty cũng có kế hoạch chuyển nhượng thửa đất 2,6 ha tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam (công ty con do Garmex sở hữu 100% vốn).

Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ theo dõi, thúc đẩy CTCP Phú Mỹ hoàn thành Dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ để bán sản phẩm nhằm thu hồi vốn đầu tư.

Garmex Sài Gòn từng là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may ở TP.HCM với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Công ty này có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-ty-det-may-tphcm-sa-thai-hang-nghin-nguoi-van-chua-co-don-hang-post1480146.html