Công ty Điện lực Lạng Sơn: 'Số hóa' trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điệnTin khácGhi nhận từ Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân 2022Lực lượng vũ trang tỉnh: 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành
Thời gian qua, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã đẩy mạnh thực hiện 'số hóa' trong công tác quản lý, vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là nâng chất lượng cấp điện phục vụ khách hàng.
Ông Phạm Ngọc Việt, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Do Lạng Sơn là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, tuyến trung áp còn trải dài liên huyện, bán kính cấp điện lớn… nên trước năm 2020, công tác kiểm tra, quản lý các thông số vận hành lưới điện vẫn phải thực hiện thủ công, cần nhiều nhân lực mà hiệu suất công việc không cao. Vì thế, từ năm 2020 đến nay, phòng đã tích cực tham mưu lãnh đạo công ty đưa các giải pháp công nghệ mới vào quản lý, vận hành lưới điện.
Việc “số hóa” đầu tiên là triển khai “trạm biến áp không người trực” đối với tất cả các trạm biến áp 110 kV. Theo đó, từ đầu năm 2020, công ty đã đầu tư các phần mềm đo tự động tại các trạm biến áp kết nối với Trung tâm Điều khiển xa, đến thời điểm này, 100% các trạm biến áp 110 kV trên địa bàn tỉnh đều không cần người trực, chỉ cần 1 cán bộ trực tại Trung tâm Điều khiển xa là có thể quản lý, điều khiển, vận hành, phân phối điện toàn tuyến.
“Thay vì phải trực vận hành 3 ca, 4 kíp tại mỗi điểm trạm truyền thống, nay các trạm biến áp 110 kV đều vận hành chế độ không người trực. Các thông số vận hành công suất tác dụng, phản kháng, điện áp, dòng điện, tần số, … của lưới cao, trung áp đưa về trung tâm tức thời và tự động ghi lưu trữ, cảnh báo bất thường, phục vụ điều độ viên phân tích đánh giá, ra quyết định điều hành thao tác nhanh từ xa…,” – Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết.
Cùng với đó, trong thời gian qua, Công ty Điện lực Lạng Sơn tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để “số hóa” toàn diện công tác quản lý, vận hành lưới điện. Theo đó, nhằm hướng đến xây dựng lưới điện thông minh, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các phòng chuyên môn đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện.
Đến thời điểm này, công ty đã mở rộng liên kết đa điểm lưới trung áp với 44 mạch vòng, hòa đồng bộ trên các đường dây khép vòng 16 điểm không cần cắt điện khi chuyển nguồn hay khi sửa chữa thiết bị điện. Đặc biệt, việc áp dụng phần mềm DMS (ứng dụng tự động hóa quản lý lưới điện phân phối) vào quản lý lưới điện trung áp đã giúp tự động cô lập điểm sự cố về điện, từ đó, giảm tối thiểu số lượng khách hàng bị cắt điện, giảm thời gian mất điện trung bình và số lần mất điện của khách hàng (hiện chỉ số thời gian mất điện của 1 khách hàng chỉ còn 2.347 phút/năm, giảm hơn 3.400 phút so với năm 2020). Song song với đó, Công ty Điện lực Lạng Sơn cũng đầu tư đưa thiết bị công nghệ mới vào hoạt động kiểm tra, giám sát toàn hệ thống. Qua đó, đã thực hiện tốt các chỉ tiêu sự cố, độ tin cậy cung cấp điện được giao, đảm bảo nhiệm vụ cấp điện an toàn, liên tục trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Hướng tới mục tiêu “số hóa toàn diện”, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã chỉ đạo các phòng, trung tâm thực hiện hoàn chỉnh các hệ thống điều khiển, giám sát, đo xa, quản lý thông tin hạ tầng lưới điện, đồng bộ dữ liệu các phần mềm phục vụ khai thác chung. Qua đó, đã thực hiện phân bổ tối ưu công suất các trạm biến áp 110 kV, từ đó, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm đáng kể (năm 2021, tổn thất điện năng lưới 110 kV giảm được 0,51%. Năm 2022, phấn đấu giảm khoảng 6,85%); tổn thất điện năng lưới trung, hạ áp giảm được 1,07% (là mức giảm sâu nhất trong những năm qua); trong đó, lưới trung áp giảm được 0,7%. Cùng đó, tổng lượng điện năng vô công qua các trạm biến áp 110 kV toàn tỉnh giảm từ 58,12 triệu kVArh (năm 2020) xuống còn 30,81 triệu kVArh (năm 2021).
Chỉ sau 1 năm đẩy mạnh “số hóa”, gần như các khâu trong công tác quản lý, vận hành lưới điện của Công ty Điện lực Lạng Sơn đã được “tự động hóa”. Trong năm 2022, công ty tiếp tục tập trung đầu tư, đồng bộ 100% các điểm điều khiển xa trên cùng 1 giao thức, 1 phần mềm; xây dựng, chuẩn xác toàn bộ cơ sở dữ liệu hạ tầng từ lưới điện 110 kV đến lưới trung áp, hạ áp trên toàn tỉnh (PMIS); phát triển bản đồ lưới điện trên nền GIS (phần mềm trực quan hóa thông tin không gian, giúp đưa ra các quyết định nhanh, chính xác) làm cốt lõi dựa trên nền tảng các phần mềm hiện có;… Từ đó, giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển lưới điện thông minh, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cấp điện phục vụ khách hàng.