Công ty Đức thuê thám tử điều tra nhân viên giả ốm

Tỷ lệ nghỉ ốm gia tăng ở Đức buộc các công ty phải thuê thám tử điều tra nhân viên giả ốm, gây ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

 Các doanh nghiệp đang lo ngại về ảnh hưởng của tỷ lệ nghỉ ốm cao đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ảnh minh họa: Pixabay/Pexels.

Các doanh nghiệp đang lo ngại về ảnh hưởng của tỷ lệ nghỉ ốm cao đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ảnh minh họa: Pixabay/Pexels.

Marcus Lentz, thám tử tư tại thành phố Frankfurt (Đức) và là người sáng lập công ty Lentz Group, cho biết mỗi năm công ty của ông nhận tới 1.200 yêu cầu điều tra nhân viên nghỉ ốm, gấp đôi so với vài năm trước.

Điều này phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn của các doanh nghiệp về tình trạng nhân viên lợi dụng chế độ nghỉ ốm mà không có lý do chính đáng.

“Khi một nhân viên nghỉ ốm 30, 40 hay thậm chí 100 ngày/năm, họ sẽ trở thành gánh nặng kinh tế của công ty”, ông Lentz chia sẻ với AFP.

Việc vắng mặt kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, mà còn làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, từ những tập đoàn ôtô lớn đến các nhà sản xuất phân bón.

 Thám tử điều tra hành vi nghỉ phép giả Marcus Lentz. Ảnh: Lentz Gruppe.

Thám tử điều tra hành vi nghỉ phép giả Marcus Lentz. Ảnh: Lentz Gruppe.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng hệ thống xin giấy chứng nhận nghỉ ốm dễ dàng qua điện thoại từ bác sĩ đã tạo điều kiện cho việc giả bệnh, theo các chuyên gia, nguyên nhân thực tế phức tạp hơn. Những vấn đề về sức khỏe tâm thần và áp lực công việc ngày càng gia tăng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng này.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn gây sức ép lên nền kinh tế Đức, vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sản xuất đình trệ và nhu cầu xuất khẩu giảm sút. Hệ quả là quốc gia này lại một lần nữa bị gán với danh xưng "bệnh nhân của châu Âu", phản ánh những khó khăn kinh tế mà nước Đức đang phải vượt qua.

Theo Hiệp hội các công ty dược phẩm nghiên cứu tại Đức, tỷ lệ nghỉ ốm gia tăng đã khiến GDP của Đức giảm 0,8% trong năm 2023, góp phần vào mức suy giảm kinh tế 0,3%.

Theo Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), trung bình mỗi lao động ở Đức nghỉ ốm 15,1 ngày trong năm 2022, tăng đáng kể so với mức 11,1 ngày của năm 2021.

Quỹ bảo hiểm y tế TK của Đức cũng cho biết số ngày nghỉ ốm trung bình trong 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt mức kỷ lục 14,13 ngày.

 Các công ty sẽ tìm cách sa thải những nhân viên không mang lại hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn. Ảnh: Anna Shvets/Pexels.

Các công ty sẽ tìm cách sa thải những nhân viên không mang lại hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn. Ảnh: Anna Shvets/Pexels.

Những số liệu này cho thấy tỷ lệ nghỉ ốm tại Đức đang vượt qua nhiều quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Italy và Tây Ban Nha, đồng thời trở thành một thực trạng đáng lo ngại mà các công ty phải đối mặt.

Để đối phó với tình trạng nghỉ ốm giả, một số doanh nghiệp lớn như Mercedes-Benz và Tesla đã triển khai các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể, hãng xe điện Tesla của Elon Musk đã cử quản lý đến tận nhà của nhân viên nghỉ ốm để kiểm tra trực tiếp, gây ra không ít tranh cãi trong dư luận.

Thám tử Marcus Lentz cũng tiết lộ một số trường hợp nhân viên giả ốm để nghỉ phép nhưng thực chất vẫn làm việc ngoài giờ, chẳng hạn như hỗ trợ công việc gia đình hoặc sửa chữa nhà.

Dù việc thuê thám tử khá tốn kém, Lentz cho biết trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty sẽ không ngần ngại tiến hành điều tra và sa thải những nhân viên giả vờ ốm, vì họ không mang lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tỷ lệ nghỉ ốm gia tăng chưa phản ánh chính xác tình hình thực tế.

Các chuyên gia cho biết hệ thống mới, trong đó bác sĩ chủ động gửi giấy chứng nhận nghỉ ốm cho công ty bảo hiểm của bệnh nhân, đã giúp việc báo cáo chính xác hơn, từ đó đẩy con số thống kê lên cao.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (WSI) thuộc Quỹ Hans Boeckler, có liên kết với các công đoàn Đức, nhận định rằng việc đổ lỗi cho người lao động nghỉ ốm thường xuyên là không công bằng và không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Theo Bettina Kohlrausch, Giám đốc khoa học của WSI, cho biết nguyên nhân thực sự của tình trạng này là sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần và áp lực công việc, những yếu tố cần được chú trọng và giải quyết một cách toàn diện.

Tường Uyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cong-ty-duc-thue-tham-tu-dieu-tra-nhan-vien-gia-om-post1522478.html