Công ty không tổ chức đối thoại với tập thể lao động có vi phạm?
Hỏi: Tôi làm công nhân tại một công ty dệt may. Khu nhà vệ sinh của công ty tôi xuống cấp, không đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động. Tập thể người lao động chúng tôi đã phản ánh lên lãnh đạo công ty để được sửa chưa nâng cấp nhưng vẫn không có kết quả. Tuần vừa rồi chúng tôi đã yêu cầu công ty phải tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động về điều kiện làm việc. Tuy nhiên đại diện lãnh đạo công ty nói không tổ chức đối thoại để tập thể người lao động trao đổi ý kiến. Xin hỏi yêu cầu đối thoại của tập thể người lao động công ty tôi có hợp pháp không? Việc công ty không tổ chức đối thoại có vi phạm pháp luật không? Nếu có thi công ty tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?
(Luyện Thị Hoàn, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Trả lời:
Tại Điều 64, Điều 65 Bộ luật lao động quy định đối thoại tại nơi làm việc như sau:
“Điều 64. Nội dung đối thoại tại nơi làm việc
1. Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
2. Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
3. Điều kiện làm việc.
4. Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.
5. Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.
6. Nội dung khác mà hai bên quan tâm.
Điều 65. Tiến hành đối thoại tại nơi làm việc
1. Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên.
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bố trí địa điểm và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho việc đối thoại tại nơi làm việc”
Theo quy định trên, người lao động được quyền yêu cầu đối thoại về nội dung “Điều kiện làm việc” của mình. Người lao động công ty bạn yêu cầu đối thoại trong trường hợp này là hoàn toàn hợp pháp.
Tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật lao động cũng quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động như sau:
“2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại với tập thể lao động tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở;
c) Lập sổ quản lý lao động, sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
d) Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương;
đ) Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế”
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 nêu trên, người sử dụng lao động có nghĩa vụ “thực hiện đối thoại với tập thể lao động...”. Việc đại diện lãnh đạo công ty nói không tổ chức đối thoại tại nơi làm việc là vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:
“ Điều 14. Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định pháp luật;
b) Không bố trí địa điểm và bảo đảm các điều kiện vật chất khác cho việc đối thoại tại nơi làm việc.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đối thoại khi đại diện tập thể lao động yêu cầu.”
Công ty bạn không tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo yêu cầu của tập thể người lao động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 14 Nghị định 28/2020/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và áp dụng Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt áp dụng với công ty có hành vi không tổ chức đối thoại khi đại diện tập thể lao động yêu cầu là 7.000.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).