Công ty lữ hành than khách sạn thiếu người dọn phòng
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận xét hiện tại du lịch nội địa có xu hướng đi theo phong trào và có sự dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Diễn đàn "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch TP.HCM diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/8 tại TP.HCM.
Tại đây, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có buổi gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp nhằm phục hồi và phát triển du lịch.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong 7 tháng đầu năm, thành phố đón khoảng 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765.000 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế vẫn còn rất thấp so với trước đại dịch Covid-19 cũng như tiềm năng thu hút khách du lịch của thành phố.
Khách sạn thiếu người dọn phòng
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty Viettours cho rằng cơ sở hạ tầng ngành du lịch quá tải trầm trọng và nguồn nhân lực thiếu hụt.
Bà lấy ví dụ Viettours từng đón một đoàn khách MICE gồm 600 người tới TP.HCM nhưng một khách sạn 5 sao quốc tế thông báo phải tới 23h mới có phòng cho du khách. Lý do không phải hết phòng mà là... không có người dọn phòng.
Tương tự, các điểm đến đều thông báo "full" dịch vụ, hết phòng khiến công ty lữ hành này không dám nhận thêm khách.
"Khó khăn về visa cũng là rào cản cho khách quốc tế vào Việt Nam”, vị này khẳng định.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist cũng nhận định nguồn nhân lực du lịch sau dịch bệnh gần như đứt gãy hoàn toàn. Theo ông, cần thiết có các chính sách hỗ trợ những chương trình, cơ sở đào tạo về du lịch để có thể đẩy nhanh các khóa học, chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu cấp bách trước mắt hiện nay và lâu dài, mở rộng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác quốc tế.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn sớm khai thông dòng chảy khách du lịch quốc tế, nhất là trong mùa du lịch thấp điểm trước mắt.
Theo vị này, 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist trong năm phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế. Tuy nhiên 6 tháng qua, Việt Nam mới chỉ đón được hơn 600.000 lượt khách quốc tế. Cùng với đó, các trung tâm hội nghị cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường khách MICE, khách cao cấp, nhất là tại TP.HCM.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Travel Mart đề xuất để sớm khơi thông dòng chảy khách quốc tế, Việt Nam phải sớm có trao đổi với các cơ quan ngoại giao để sớm mở cửa song phương một số thị trường khách lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Du lịch phải sang, đẹp, không “chặt chém”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Không một du khách nào chấp nhận được chuyện 'chặt chém', dịch vụ tạm bợ, chấp nhận việc cho qua chuyện
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng
Ông nhận xét hiện tại du lịch nội địa có xu hướng đi theo phong trào và có sự dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Dịch vụ kiểu này có thể khai thác khách ở thời điểm hiện tại nhưng về lâu dài các doanh nghiệp cần suy nghĩ thấu đáo, làm ăn bài bản, căn cơ, tính toán lại. Nếu cứ dễ dãi, cung cấp sản phẩm không chất lượng sẽ rất khó khăn
"Không một du khách nào chấp nhận được chuyện 'chặt chém', dịch vụ tạm bợ, chấp nhận việc cho qua chuyện. Du lịch phải sang, phải đẹp và việc của chúng ta là hành động để đạt được sự sang, đẹp đó" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, thói quen sinh hoạt cũng như nhu cầu du lịch của người dân.
Một số xu hướng du lịch quốc tế ở Việt Nam là yếu tố an toàn, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch ngoài trời gắn với thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao…
Để phục hồi mạnh mẽ và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp.
Đầu tiên, cần xây dựng chiến lược hoạch định nguồn nhân lực rõ ràng trên cơ sở rà soát và nâng cao tình trạng nguồn nhân lực du lịch. Doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến đào tạo nâng cao năng lực và khả năng thích nghi của nguồn nhân lực với các biến động cũng như môi trường làm việc mới của ngành.
Tiếp theo, cần mở đường bay thẳng quốc tế tới các điểm đến an toàn, các quốc gia đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm cộng đồng, theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Đồng thời, các doanh nghiệp nên tăng cường ứng dụng công nghệ vào du lịch nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách du lịch trong giai đoạn mới.