'Công ty ma' tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép như thế nào?
Ngày 19-10, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng về hành vi: 'Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép'. Đây là các đối tượng liên quan đến vụ án 'Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép xảy ra tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng vào ngày 25-9-2023' mà cơ quan điều tra đã khởi tố vào ngày 10-10.
Núp bóng công ty tư vấn du học và xuất khẩu lao động
Các bị can bị khởi tố, gồm: Đào Thị Thảo (1990, trú TP Đồng Hới, Quảng Bình), Lương Thị Huyền Trang (1995, trú H. Minh Hóa, Quảng Bình), Trần Thị Nghĩa (1990, trú H. Lệ Thủy, Quảng Bình) và Nguyễn Thị Yến Nhi (1999, trú H. Bố Trạch, Quảng Bình). 2 bị can Đào Thị Thảo và Nguyễn Thị Yến Nhi bị bắt tạm giam, Trang và Nghĩa bị cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ quá trình điều tra.
Trước đó, Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bị can 5 đối tượng khác, gồm: Phùng Ngọc Hưng (1964), Lê Thị Hồng Mỹ (1997), Đào Tiến Sỹ (1999), Nguyễn Ngọc Hoàng Mỹ Linh (1993, cùng trú TP Đồng Hới) và Lê Thị Thanh Thủy (1986, trú H. Quảng Ninh, Quảng Bình). Cả 9 bị can đều là nhân viên của Công ty TNHH Ánh sáng Vì sao do Phùng Ngọc Hưng làm giám đốc.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra xác định: Năm 2008, Phùng Ngọc Hưng thành lập Công ty TNHH Ánh sáng Vì sao, chuyên hoạt động trên lĩnh vực tư vấn du học và xuất khẩu lao động sang Canada. Khoảng tháng 3-2023, anh Nguyễn Văn Pháp (1994) và Nguyễn Tấn Lực (1995,cùng trú P. Mân Thái, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) có nhu cầu xuất cảnh sang Canada theo diện thăm thân nên đã liên hệ với Hưng để nhờ tư vấn, làm giúp hồ sơ xin cấp thị thực. Mặc dù biết rõ Pháp và Lực không đủ điều kiện để xuất cảnh sang Canada theo diện thăm thân nhưng Hưng vẫn hướng dẫn nhân viên là Lê Thị Thanh Thủy tiếp nhận, trực tiếp tổ chức việc làm hồ sơ xin cấp thị thực cho khách.
Do hai anh Pháp và Lực không đủ điều kiện về nhân thân và năng lực tài chính nên Thủy phối hợp Lê Thị Hồng Mỹ, Đào Tiến Sỹ, Nguyễn Ngọc Hoàng Mỹ Linh, Trần Thị Yến Nhi chỉnh sửa, làm giả các giấy tờ có trong hồ sơ bao gồm: giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, chứng nhận đăng ký xe ô-tô, hợp đồng lao động… Để tăng khả năng được cấp thị thực nhập cảnh Canada, Hưng còn hướng dẫn Thủy tổ chức cho Pháp, Lực đi du lịch Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á nhằm “tráng men”, “làm đẹp” hộ chiếu trước khi xin cấp thị thực.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Thủy gửi đến cơ quan lãnh sự của Canada để xin cấp thị thực nhập cảnh cho những người này. Qua các giai đoạn làm hồ sơ xin cấp thị thực, Hưng nhận từ người nhà của anh Pháp và anh Lực số tiền khoảng 800 triệu đồng và chỉ đạo Trần Thị Nghĩa hợp thức hóa việc nhận tiền này bằng hợp đồng ủy quyền xin cấp visa diện thăm thân cho 2 người nói trên.
Đến ngày 25-9-2023, khi đang làm thủ tục xuất cảnh đi Canada, hai anh Pháp và Lực bị Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phát hiện có biểu hiện xuất cảnh không đúng diện thị thực được cấp nên đã làm việc và chuyển hồ sơ để Cơ quan An ninh điều tra thụ lý theo thẩm quyền.
Lật tẩy thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của “ông trùm”
Mở rộng điều tra, Cơ quan An ninh điều tra còn phát hiện việc Phùng Ngọc Hưng chỉ đạo Đào Thị Thảo, Lương Thị Huyền Trang chỉnh sửa, làm giả các giấy tờ trong hồ sơ xin cấp thị thực cho một người khác là Nguyễn Thị Phương Nhi (2000, trú P. Thuận An, TP Huế, Thừa Thiên - Huế) để người này xuất cảnh trái phép sang Canada theo diện lao động. Tất cả hoạt động tính từ khi tiếp nhận hồ sơ ban đầu cho đến khi phù phép thành hồ sơ “đẹp” cuối cùng, nhóm đối tượng này đều thực hiện trong môi trường khép kín tại công ty mang vỏ bọc tư vấn du học và xuất khẩu lao động. Để “bảo mật” việc làm phi pháp, Phùng Ngọc Hưng yêu cầu nhân viên có chế độ làm việc hoàn toàn tách biệt đời sống bình thường, “cái gì của công ty là để lại ở công ty”.
Sau thời gian dài điều tra, cơ quan Công an phát hiện ổ nhóm tội phạm này hoạt động với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có nhiều hoạt động đối phó với lực lượng chức năng. Trước khi được giao công việc chính thức, Hưng yêu cầu mỗi nhân viên đều phải biết sử dụng cơ bản phần mềm chỉnh sửa đồ họa Adobe Photoshop. Những ai chưa biết thì sẽ được Đào Tiến Sỹ hướng dẫn qua một khóa đào tạo đủ đáp ứng yêu cầu chỉnh sửa, làm giả các tài liệu trong hồ sơ xin cấp thị thực của khách.
Tại văn phòng cty, Hưng phát cho mỗi nhân viên 1 điện thoại thông minh và 1 sim thuê bao để làm việc. Mọi trao đổi với khách hàng và giao dịch đều phải được thực hiện trên điện thoại này. Đối với công việc thao tác trên máy vi tính, mỗi nhân viên được cấp 1 USB riêng biệt để lưu trữ tài liệu. Kết thúc giờ làm việc hành chính, trước khi ra về, tất cả đều phải bỏ điện thoại và USB chuyên dụng vào ngăn riêng, niêm phong tại văn phòng cty.
Đến ngày 27-9-2023, sau khi biết Cơ quan An ninh điều tra thụ lý giải quyết nguồn tin tội phạm, Hưng chỉ đạo nhân viên nhanh chóng xóa mọi dấu vết liên quan đến việc làm phi pháp suốt thời gian qua và thay mới toàn bộ ổ cứng máy vi tính tại cty. Làm việc với cơ quan Công an, các bị can đều thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân.
Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật.