'Công ty ma' và lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp - Bài 2: Dễ dãi tiền kiểm, lỏng lẻo hậu kiểm
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành ngày càng nhiều 'công ty ma' chính là kẽ hở trong quy trình thành lập doanh nghiệp (DN). Quy trình này được xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, nhưng lại vô tình trở thành 'thảm đỏ' cho những kẻ gian lợi dụng. Sự dễ dãi trong thủ tục đăng ký, thiếu chặt chẽ khâu hậu kiểm từ phía cơ quan chức năng, cùng với các bất cập pháp lý đã mở ra cơ hội cho các cá nhân hoặc tổ chức không trung thực lập nên những 'công ty ma' chỉ sau vài thao tác đơn giản.
Luật DN năm 2020 có quy định, chủ DN đăng ký kinh doanh theo cách tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN và thủ tục thực hiện khá đơn giản. Ðây là điều thông thoáng để các DN nhanh chóng gia nhập thị trường và cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN. Song, điều đáng quan ngại hơn, khi khâu hậu kiểm vẫn còn bỏ ngỏ.
Thủ tục đơn giản
Thời gian qua, để tạo sự thông thoáng, thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh, quy trình đăng ký thành lập được rút ngắn, dễ dàng. Chỉ cần các thủ tục cần thiết như căn cước công dân, kê khai địa chỉ trụ sở, ngành nghề, vốn, là có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN.
Ông Trịnh Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), cho biết: “Hiện nay, hồ sơ, thủ tục đăng ký DN đã liên thông với cơ quan thuế, mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế gộp lại thành mã số DN. DN không phải tự đi đến nhiều cơ quan, không mất thêm thời gian. Thời gian giải quyết không quá 3 ngày làm việc theo quy định của Luật DN. Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian đăng ký DN rút ngắn còn không quá 2 ngày làm việc”.
Chị N.Ð, chủ một DN ở Cà Mau, đã đăng ký thành lập công ty TNHH thông qua trang web https://dangkykinhdoanh.gov.vn trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký DN. Chị Ð cho biết, chỉ cần điền thông tin cá nhân và ngành nghề, sau đó scan và tải các tài liệu cần thiết, xác nhận và thanh toán điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình này, chị Ð vô tình ghi sai địa chỉ trụ sở chính của công ty. Mặc dù có sai sót, nhưng hồ sơ của chị vẫn được chấp nhận, giấy phép kinh doanh đã được cấp và đến nay chị cũng không thấy có cơ quan nào kiểm tra về sự sai sót địa chỉ này.
“Việc tạo điều kiện thuận lợi trong đăng ký thành lập DN có thể coi là cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, quy trình hiện tại quá đơn giản và thiếu kiểm soát chặt chẽ. Nhiều DN chỉ cần cung cấp một số giấy tờ cơ bản và không cần chứng minh về tài chính hay khả năng kinh doanh thực sự, sẽ dễ tạo điều kiện cho các cá nhân có ý đồ xấu lợi dụng để hoạt động phi pháp”, anh P.M.T, chủ cơ sở kinh doanh tại Phường 8, TP Cà Mau, bày tỏ lo ngại.
Ông Trịnh Thanh Sang lý giải: “Do thông thoáng trong thủ tục nên bước đầu đăng ký cơ quan chức năng không kiểm soát được, đến khi DN thực hiện các hành vi vi phạm thì mới phát hiện. Muốn phát hiện được thì phải phối hợp nhiều cơ quan, sở, ban, ngành. Ngoài ra, nếu địa chỉ kê khai sai, người nộp đơn phải chịu trách nhiệm, Sở KH&ÐT không thể kiểm tra chi tiết từng địa chỉ. Theo Luật DN, người nộp đơn tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về các thông tin kê khai khi đăng ký, nên khi phát hiện sai sót, người khai phải tự làm đơn chỉnh sửa”.
Trên thực tế, công tác thanh tra DN hiện nay chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát vốn đăng ký và tên DN. Các trường hợp vốn đăng ký bất thường hoặc tên DN trùng lặp sẽ được rà soát kỹ lưỡng hơn. Quá trình này bao gồm việc kiểm soát các ngành nghề kinh doanh theo quy định hiện hành.
Khó kiểm soát
Theo Cục Thuế tỉnh, một số “DN ma” trong quá trình hoạt động thường thay đổi người đại diện pháp luật, thay đổi địa điểm kinh doanh. Sau khi xuất hàng loạt hóa đơn trái phép không kê khai thuế hoặc kê khai không đầy đủ, không đúng quy định, kê khai phát sinh số thuế phải nộp ngân sách Nhà nước rất thấp... các DN này không hoạt động nữa.
Trung bình mỗi ngày Cục Thuế tỉnh Cà Mau nhận được trên 15 công văn của cục thuế các tỉnh gửi đến thông báo DN có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn, không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh. Trong năm 2023, Cục Thuế tỉnh Cà Mau ban hành trên 25 công văn cảnh báo những trường hợp này.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra 2, Cục Thuế Cà Mau, cho hay: “Hậu kiểm chỉ được thực hiện khi phát hiện DN có dấu hiệu vi phạm các quy định về thuế. Lúc này, cơ quan thuế mới tiến hành kiểm tra trực tiếp tại trụ sở DN, còn theo quy định không được kiểm tra khi DN đang hoạt động bình thường”.
Theo ông Sang, hiện nay Sở KH&ÐT không đủ nguồn nhân lực để thực hiện hậu kiểm thường xuyên, chủ yếu phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện hậu kiểm theo kế hoạch.
Thực tế cho thấy, qua rà soát, từ năm 2022-2023, Sở KH&ÐT đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh rà soát 915 DN, qua đó cảnh báo 397 DN, xử lý 508 DN vi phạm. Sở KH&ÐT tỉnh Cà Mau đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký của 196 DN trong năm 2022 và 129 DN trong năm 2023 do vi phạm pháp luật, tăng 8% so với cùng kỳ.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi 12 giấy chứng nhận đăng ký DN vi phạm, tiếp tục xử lý 30 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, nợ thuế kéo dài.
Một vấn đề khác đáng quan ngại là, quá trình thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các DN đã ngừng hoạt động. Trách nhiệm của Sở KH&ÐT trong việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN của các DN đang trở thành thách thức đáng kể. Ðơn cử, năm 2023, cơ quan thuế đã gửi thông tin (bằng văn bản) đến Sở KH&ÐT về việc phối hợp và kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN do không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh trên 1 năm đã đến thời hạn thu hồi, nhưng đến nay Sở KH&ÐT đang trong quá trình xử lý 320 DN.
Vấn đề cơ chế “tiền đăng, hậu kiểm” trong quá trình thành lập DN đã và đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là ở khâu hậu kiểm. Ðể đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan./.