Công ty Năm Bảy Bảy chào bán cổ phiếu cao hơn thị trường
Dự kiến chào bán cổ phiếu cao hơn giá thị trường, kế hoạch huy động vốn từ cổ đông để triển khai 2 dự án ở Quảng Ngãi và Bình Thuận của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy liệu có khả thi?
Kế hoạch huy động 751,2 tỷ đồng từ cổ đông
Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 13/3/2023, giá cổ phiếu NBB của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (Công ty Năm Bảy Bảy) giảm tới 78,7% giá trị, từ 59.700 đồng/cổ phiếu, về 12.700 đồng/cổ phiếu. Mặc dù vậy, doanh nghiệp này đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu tỷ lệ 2:1, tương ứng chào bán hơn 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 751,2 tỷ đồng. Mức giá này đang cao hơn 18,11% so với giá thị trường.
Trong các đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu, cổ phiếu thường được chiết khấu một tỷ lệ tương đối để tăng sức hấp dẫn và thúc đẩy nhà đầu tư nộp thêm tiền vào doanh nghiệp, nhưng Năm Bảy Bảy đang làm điều ngược lại.
Với giá thị trường 12.700 đồng/cổ phiếu, giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ chào bán 2:1, nếu nhà đầu tư góp tiền và thực hiện quyền mua, giá mua trung bình sẽ tăng lên 13.467 đồng/cổ phiếu.
Thông thường, việc chào bán giá cổ phiếu quá cao so với giá thị trường vốn không hấp dẫn, nhà đầu tư có thể mua trên sàn với giá thấp hơn ở các đợt chào bán sắp tới.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trong năm 2022, khi cổ phiếu NBB giao dịch ở vùng đỉnh, cổ đông lớn liên tục bán ra và khi cổ phiếu giảm mạnh thì mới có động thái muốn mua lại.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII, mã CII) đã bán ra, giảm tỷ lệ sở hữu tại Năm Bảy Bảy từ 67,11% về 37,4%, chuyển từ “công ty con” sang “công ty liên kết” và ghi nhận một khoản lợi nhuận kỷ lục từ việc bán vốn này. Ngược lại, giai đoạn cuối năm 2022, Năm Bảy Bảy có thêm 2 cổ đông lớn là Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng CII (công ty con của CII) sở hữu 6,74% vốn điều lệ; Công ty TNHH TM-DV Đại Dũng sở hữu 5,63% vốn điều lệ.
Để mở đường cho CII quay trở lại là cổ đông lớn, ngày 2/11/2022, Năm Bảy Bảy vừa chấp thuận cho Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng CII và bên liên quan nâng sở hữu lên tối đa 80% vốn điều lệ, mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Huy động vốn của cổ đông để đầu tư dự án ở các tỉnh
Tháng 11/2022, Công ty Năm Bảy Bảy bất ngờ hủy việc trả cổ tức 9% còn lại của năm 2020 và 15% cổ tức năm 2021 với lý do: trong năm 2022, các ngân hàng siết chặt tín dụng, hoạt động kinh doanh bất động sản của Năm Bảy Bảy gặp nhiều khó khăn trong việc bán hàng và huy động vốn. Vì vậy, Công ty ưu tiên dòng tiền để chi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các dự án, dự kiến không thu xếp được nguồn tài chính để chi trả cổ tức.
Được biết, tính tới ngày 31/12/2022, Năm Bảy Bảy chỉ còn sở hữu 12,15 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,19% tổng tài sản. Tổng nợ vay lên tới 3.130,1 tỷ đồng, bằng 1,71 lần vốn chủ sở hữu; gồm nợ vay phải trả trong vòng 1 năm là 971,9 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 2.158,2 tỷ đồng (có một dư nợ trái phiếu 290 tỷ đồng).
Quay trở lại kế hoạch huy động vốn 751,2 tỷ đồng từ cổ đông, Công ty dự kiến dùng 422,4 tỷ đồng đầu tư bổ sung nguồn vốn cho Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi; 328,8 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi Bình Thuận.
Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi có quy mô 102,7 ha, tổng vốn đầu tư 1.752,5 tỷ đồng, đã giải ngân 1.330,1 tỷ đồng. Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi - Bình Thuận có quy mô 124,53 ha, tổng vốn đầu tư 2.725,7 tỷ đồng, đã giải ngân 1.264,4 tỷ đồng.
Thời gian qua, Năm Bảy Bảy có dấu hiệu chậm triển khai 2 dự án ở TP. TP.HCM, bao gồm Dự án NBB II, diện tích 8,34 ha, tổng vốn đầu tư 2.433 tỷ đồng; Dự án NBB Garden III, quy mô 7,75 ha, tổng vốn đầu tư 2.706 tỷ đồng. Cả 2 dự án này đều dự kiến triển khai trong giai đoạn 2017 - 2025, nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư.
Trong khi đó, Năm Bảy Bảy đang muốn tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ngãi và Bình Thuận. Kế hoạch này phụ thuộc lớn vào đợt chào bán cổ phiếu và huy động từ cổ đông sắp tới.