Công ty niêm yết đầu tiên tại Trung Đông 'ôm' Bitcoin vào kho dự trữ

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng số hóa, khu vực Trung Đông đang nổi lên như một trung tâm tiền mã hóa đầy tiềm năng. Và mới đây, một sự kiện mang tính bước ngoặt đã diễn ra, đánh dấu lần đầu tiên một công ty niêm yết công khai tại khu vực này chính thức áp dụng chiến lược dự trữ Bitcoin trong kho dự trữ của mình.

Sự kiện mang tính bước ngoặt tại Trung Đông

Tập đoàn nhà hàng Al Abraaj Restaurants Group (mã niêm yết: ABRAAJ) có trụ sở tại Bahrain, đã thực hiện khoản mua Bitcoin ban đầu và công bố kế hoạch tiếp tục tích lũy, với mục tiêu dài hạn là tối đa hóa lượng Bitcoin trên mỗi cổ phiếu.

Chiến lược này rõ ràng được lấy cảm hứng từ con đường mà Công ty MicroStrategy, dưới sự dẫn dắt của Michael Saylor, đã đi tiên phong trên thị trường quốc tế. Để phục vụ cho tham vọng, Al Abraaj đã hợp tác với 10X Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại New York với kinh nghiệm trong việc quản lý tài sản cho các công ty niêm yết và tư vấn các chiến lược Bitcoin treasury. Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp Al Abraaj huy động thêm vốn để gia tăng lượng Bitcoin nắm giữ.

Một điểm đặc biệt quan trọng trong chiến lược của Al Abraaj là việc nghiên cứu và phát triển các phương thức tiếp cận Bitcoin tuân thủ luật Sharia, nhằm mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư trong thế giới Hồi giáo tiếp cận loại tài sản mới mẻ này một cách hợp pháp. Có thể thấy, động thái này không chỉ mang ý nghĩa kinh doanh, mà còn thể hiện sự nhạy bén văn hóa và tiềm năng tích hợp tiền mã hóa vào khuôn khổ tài chính Hồi giáo.

Việc một công ty niêm yết công khai tại Bahrain, một quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), thực hiện bước đi này có ý nghĩa sâu sắc. Nó phát đi tín hiệu mạnh mẽ tới các doanh nghiệp khác trong khu vực rằng tiền mã hóa, đặc biệt là Bitcoin, đang dần được xem xét nghiêm túc như một tài sản dự trữ chiến lược trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều biến động và nhu cầu đa dạng hóa tài sản ngày càng tăng.

Dấu ấn khu vực Trung Đông

Sự kiện của Al Abraaj diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong hoạt động tiền mã hóa. Theo các báo cáo của chainalysis, khu vực MENA xếp thứ bảy trên toàn cầu về lượng giá trị on-chain được nhận trong giai đoạn từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024, chiếm 7.5% tổng khối lượng giao dịch toàn cầu.

Đáng chú ý, phần lớn hoạt động tiền mã hóa trong khu vực được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp, với 93% giá trị giao dịch có quy mô từ 10.000 USD trở lên.

Các quốc gia trong khu vực có những cách tiếp cận khác nhau đối với việc quản lý tiền mã hóa, tạo nên một bức tranh pháp lý đa dạng. Chẳng hạn, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nổi lên như một trung tâm tiền mã hóa hàng đầu với khung pháp lý rõ ràng và tiến bộ. Các cơ quan như VARA (cơ quan quản lý tài sản ảo) tại Dubai và ADGM (trung tâm tài chính quốc tế) tại Abu Dhabi đã ban hành các quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiền mã hóa hoạt động và thu hút một lượng lớn các công ty và tài năng trong ngành.

Mặc dù từng có lập trường thận trọng hơn, Ả Rập Xê Út đang cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với công nghệ blockchain và tiền mã hóa. Quốc gia này đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về khối lượng giao dịch tiền mã hóa và đang khám phá các dự án tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).

Hoặc như Bahrain, quốc gia được đi đầu trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho tài sản kỹ thuật số trong khu vực. Ngân hàng Trung ương Bahrain đã liên tục cập nhật các quy định và cấp phép cho các công ty tiền mã hóa quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành.

Sự chấp nhận tiền mã hóa trong khu vực GCC nói chung đang ngày càng phổ biến, được thúc đẩy bởi một thế hệ trẻ am hiểu công nghệ, có thu nhập khả dụng tương đối cao và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới để đa dạng hóa danh mục tài sản. Bên cạnh Bitcoin, stablecoin và altcoin cũng đang dần chiếm thị phần lớn hơn, đặc biệt tại các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và UAE.

Bởi vậy, quyết định chiến lược của Al Abraaj không chỉ là một bước đi táo bạo mà còn là minh chứng cho thấy sự tự tin ngày càng lớn của các doanh nghiệp Trung Đông vào tiềm năng dài hạn của Bitcoin. Khi khu vực này tiếp tục xây dựng các khuôn khổ pháp lý rõ ràng và thúc đẩy sự đổi mới, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ chứng kiến thêm nhiều công ty niêm yết khác tại Trung Đông đi theo con đường của Al Abraaj, đưa Bitcoin trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược tài chính của họ. Sự kiện này củng cố vị thế của Trung Đông như một nhân tố quan trọng và năng động trên thị trường tiền mã hóa toàn cầu.

Qui Ánh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cong-ty-niem-yet-dau-tien-tai-trung-dong-om-bitcoin-vao-kho-du-tru-post369424.html