Công ty nợ lương 3 năm, công nhân cầm giấy tờ nhà để sống
Hơn 3 năm nay, Công ty TNHH MTV Nam Nung (xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông) liên tục nợ lương và tiền bảo hiểm của cán bộ, công nhân, mỗi người bị nợ hàng trăm triệu đồng.
Video: Công ty TNHH MTV Nam Nung nợ như chúa Chổm
Bán đất, vay mượn để sống qua ngày
Báo VTC News vừa nhận được phản ánh của gần 100 cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Nam Nung ở xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về tình trạng công ty nợ lương và tiền bảo hiểm hơn 3 năm qua.
Công nhân Phan Công Phúc cho biết, đầu năm 2019, công ty có trả lương lắt nhắt đến tháng 7 và từ đó đến nay không có thêm khoản nào.
Tôi làm nhiều năm, cống hiến cho công ty rất lâu. Giờ công ty nợ tôi khoảng 140 triệu đồng, vợ con tôi phải vay mượn khắp nơi để sống. Trong công ty có người còn mang giấy tờ nhà đất đi cầm để nuôi sống gia đình và chờ công ty thanh toán nợ để trả lại... Cán bộ và công nhân ở đây nhiều lần nộp đơn đến chính quyền. Tuy nhiên, công ty Nam Nung vẫn chưa giải quyết và chưa thấy các sở ngành xử lý vụ việc", ông Phúc chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Ngọc, nhân viên quản lý bảo vệ rừng của công ty Nam Nung, bức xúc cho biết: "Hiện công ty Nam Nung nợ tôi gần 150 triệu đồng. Lãnh đạo công ty tổ chức họp hết lần này đến lần khác... và cũng chỉ là hứa hẹn. Chúng tôi thiết tha mong các cấp lãnh đạo hỗ trợ để có tiền sinh hoạt trong những ngày giáp Tết. Thế nhưng chờ đợi mãi, thông cảm mãi rồi cũng chẳng thấy giải quyết. Công ty nợ lương, nợ tiền bảo hiểm công nhân chúng tôi nhiều năm, nhiều gia đình buộc phải bán đất, vay mượn để lấy tiền sinh hoạt hằng ngày", ông Ngọc nói.
Nhiều công nhân khác cũng bày tỏ sự lo lắng, chán nản khi nghĩ về cái tết sắp đến, khi công ty chỉ mới chốt nợ chứ chưa có phương án cũng như lời hứa trả nợ nào.
Nợ 40 tỷ tiền lương và bảo hiểm
Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Hà Hữu Thanh, Phó giám đốc Công ty Nam Nung, thừa nhận đơn vị đang gặp khó khăn về tài chính, hiện không có khả năng thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Công ty đang tính đến phương án vay tiền đối tác mua mủ cao su để giải quyết phần nào khoản nợ của người lao động. Số vay có thể tương ứng với 20% sản lượng mủ cao su ước tính của mùa sau.
“Vay được bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào khả năng của bên cho vay, được phần nào thì hay phần đó. Họ không cho vay thì cũng chịu thôi", ông Thành nói và cho biết, khó khăn của công ty bắt nguồn từ khi xảy ra tranh chấp 450ha đất trồng cao su với người dân. Có thời điểm giá mủ cao su thấp nên tình hình thu chi của công ty càng rơi vào khó khăn.
"Công ty có đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông quan tâm giải quyết tranh chấp, chỉ đạo các ban ngành hoàn thiện công tác cổ phần hóa để công ty ổn định hoạt động thì mới trả được nợ. Chỉ có cách đó, ngoài ra công ty không có nguồn hỗ trợ nào” ông Thành nói.
Vị phó giám đốc cũng cho biết, Nam Nung lâm vào cảnh nợ nần từ năm 2013 đến năm 2016; năm 2017 vẫn còn nợ một ít; năm 2018 và từ tháng 7/2019 đến nay chưa chi trả lương. Do cán bộ, công nhân không có lương nên không có tiền trích đóng bảo hiểm. Tổng số tiền lương và BHXH còn nợ là gần 40 tỷ đồng. Bản thân ông Thành cũng bị nợ hơn 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc BHXH huyện Krông Nô, xác nhận, tính đến nay, Công ty Nam Nung còn nợ BHXH hơn 19,4 tỉ đồng, trong đó có hơn 7 tỉ đồng tiền nợ lãi. BHXH huyện từng làm việc nhiều lần với công ty trên để đôn đốc trả nợ. Trong năm 2017, Nam Nung có đóng gần 1,2 tỉ đồng; năm 2018 đóng 2,5 tỉ đồng và năm 2019 đóng 1,76 tỉ đồng. Như vậy, hằng năm đơn vị này vẫn phát sinh giao dịch với cơ quan BHXH nhưng số nợ vẫn quá lớn và thời gian nợ kéo dài.
“Trách nhiệm của cơ quan BHXH là họ đóng đến đâu thì cấp tờ rời đến đó. Công ty nợ bảo hiểm thì phải tính lãi, lãi này không được thu của người lao động. Còn việc công ty có lạm thu hay không thì chúng tôi không nắm được. Chúng tôi cũng nhiều lần báo cáo việc công ty này nợ lên cơ quan có thẩm quyền và tiếp tục đôn đốc trả nợ do số tiền quá lớn” ông Vinh nói.