Công ty nước mặt sông Đuống và câu chuyện tăng giá nước tại Hà Nội
Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đã có thông báo tới các đơn vị bán nước sạch về việc điều chỉnh giá.
Mới đây, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 của UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo Sở Tài chính đã thông tin về lộ trình điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới. Cụ thể, Hà Nội đề xuất về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn từ tháng 7/2023.
Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.
Trước đó, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đã có thông báo tới các đơn vị bán nước sạch về việc điều chỉnh giá. Theo đó, lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên mức 8.326 đồng/m3 vào năm 2023. Lộ trình tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc tăng giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống thực hiện lộ trình theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Liên ngành đã rà soát để trình UBND thành phố xem xét, quyết định phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sinh hoạt.
Kế hoạch tăng giá nước trong thời gian tới đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô, nhất là trong bối cảnh một số mặt thàng thiết yếu có thông tin dự kiến tăng giá trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng giá nước cần có lộ trình hợp lý và sự đồng thuận của người tiêu dùng.
Trong bài viết này, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục cung cấp thông tin cho bạn đọc một số thông tin về Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.
Nhà máy nước mặt sông Đuống (Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống) được quy hoạch trên diện tích gần 61.5 ha, với tổng vốn đầu tư gần 5000 tỷ đồng, đặt tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm).
Nhà máy cấp nước sạch cho khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội (bao gồm quận Long Biên (14 phường), huyện Gia Lâm (22 xã), huyện Đông Anh (20 xã), huyện Sóc Sơn (26 xã), và các khu đô thị và công nghiệp trên đường 179); khu vực phía Nam thành phố Hà Nội (bao gồm quận bao gồm quận Hoàng Mai (14 phường), huyện Thanh Trì (15 xã), huyện Thường Tín (29 xã) và huyện Phú Xuyên (28 xã)), và các vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên,…
Giai đoạn 1 đã hoàn thành, Nhà máy nước mặt sông Đuống đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Quy mô cấp nước của dự án định hướng đến năm 2030 sẽ đạt 600.000 m3/ ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt 900.000 m3/ ngày đêm.
Hồi cuối năm 2019, sau khi Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động, dư luận đã đặt vấn đề về việc giá nước của Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống cao gần gấp đôi các công ty cấp nước khác trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội vào tháng 7/2017 đã ký Quyết định 3310 tạm tính giá nước sạch Sông Đuống ở mức 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và còn có lộ trình tăng giá 7%/năm. Mức giá này được cho là quá cao bởi ở cùng thời điểm giá bán buôn của Nhà máy Nước Sông Đà chỉ chưa đầy 5.100 đồng/khối.
Mặt khác, Quyết định 38/2013 được UBND TP.Hà Nội ban hành trước đó, mức giá bán nước sạch tới người dân chỉ gần 6.000 đồng đến gần 8.700 đồng/khối với các hộ sử dụng đến 30 khối và chỉ với các hộ sử dụng trên 30 khối, mức giá bán mới là hơn 15.900 đồng/khối.
Tại thời điểm đó, giải thích về giá nước, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - ông Nguyễn Việt Hà cho biết ước tính chi phí lãi vay của dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước, tương đương 2.103 đồng/m3; chi phí khấu hao rơi vào khoảng 2.100 đồng/m3.
Về phần mình, đại diện Nhà máy nước mặt sông Đuống đã trả lời trên báo chí rằng: Do công ty đầu tư với dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, do việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.
Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính, bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.
Chia sẻ với báo giới, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên đưa ra đề xuất tăng giá nước sạch. Với những tính toán của doanh nghiệp, việc tăng giá nước sạch là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá và tác động của tăng giá đến đời sống.
Ông Long cho rằng, nước sạch là một mặt hàng độc quyền vì thế Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch cũng như giá cả của mặt hàng này sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế sản xuất và không gây lo ngại trong dân.
"Chính vì nước sạch là mặt hàng độc quyền nên cần thiết phải đảm bảo đủ chi phí cho công ty nước sạch thì đơn vị này mới có thể tồn tại được. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần kiểm soát chi phí này", ông Long phân tích.
Chuyên gia cho rằng, thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường. Việc thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết để mở rộng nguồn cung nước sạch, đảm bảo được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, để tư nhân tham gia, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm.