Công ty Poyun từng bước khôi phục sản xuất
Sau thời gian dài phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19, Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam đang từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất trong trạng thái mới.
Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam chú trọng phòng dịch khi hoạt động trở lại
Thiệt hại gần 30 triệu USD
Là doanh nghiệp khởi phát dịch Covid-19 trong tỉnh và được xác định là ổ dịch lớn nhất tại Việt Nam nên Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam (Công ty Poyun) gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 4.000 công nhân tại hai nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) Cộng Hòa (Chí Linh) và Phú Thái (Kim Thành) phải tạm nghỉ việc trong thời gian dài. Nhiều đơn hàng bị hủy, khách hàng mất niềm tin vào doanh nghiệp (DN). Trong thời gian chống dịch, để kịp thời giao một số đơn hàng cho đối tác nước ngoài, DN buộc phải xuất hàng bằng đường hàng không nên chi phí tăng gấp nhiều lần. Trong khi sản xuất bị ngừng trệ, doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí lớn để phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động. Theo ước tính, số tiền DN thiệt hại do ảnh hưởng của dịch lên đến gần 30 triệu USD.
Sau khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan chức năng về phòng chống dịch Covid-19 và được tỉnh cho phép hoạt động trở lại, ngày 14.3, Công ty Poyun đã cho một bộ phận lao động tại nhà máy trong KCN Phú Thái đi làm. Ngày 18.3, một bộ phận công nhân tại nhà máy trong KCN Cộng Hòa cũng đi làm trở lại. Trước đây, trung bình mỗi tháng DN xuất khẩu trên 33,4 triệu sản phẩm loa, dây dẫn. Từ khi hoạt động trở lại đến nay, công ty chưa xuất khẩu được lô hàng nào. Do thiếu hụt lao động nên công ty đang tập trung cho các đơn hàng xuất khẩu cần giao gấp trong tháng tới.
Theo bà Đặng Thị Quyên, Giám đốc hành chính nhân sự của Công ty Poyun, hiện nay đơn vị mới chỉ hoạt động khoảng 40% công suất do lao động bị thiếu hụt. Ngoài số lao động trong tỉnh chưa đi làm trở lại, công ty còn có khoảng 500 lao động ở tỉnh Quảng Ninh chưa thể đến làm việc. Bên cạnh đó, bộ phận cắt nguyên liệu cung cấp sản phẩm cho 2 nhà máy của công ty mới có 20% số lao động đi làm trở lại nên không đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Trong thời gian tới, DN này sẽ tiếp tục bổ sung thêm lao động cho từng nhà máy để sản xuất liên tục, ổn định. Sau khi 2 nhà máy hoạt động bình thường trở lại, công ty sẽ cho người lao động tăng ca để từng bước đáp ứng các đơn hàng.
Chú trọng phòng dịch
Cùng với từng bước khôi phục sản xuất, công ty luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn và phòng dịch cao hơn yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan chức năng. Đơn vị cho người lao động đi làm tăng dần theo từng giai đoạn để bảo đảm khoảng cách và an toàn trong thời gian đầu hoạt động trở lại. Đến nay mới có gần 50% số lao động (khoảng 2.000 người) của công ty tại 2 nhà máy đi làm trở lại.
Ngoài việc thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo quy định, công ty còn có các biện pháp khác để bảo đảm an toàn cao nhất cho người lao động. Mặc dù số lượng lao động đi làm trở lại chưa đông nhưng công ty vẫn chủ động chia 2 ca làm việc với thời gian bắt đầu và kết thúc khác nhau. Trong thời gian này, các đơn hàng dù rất gấp nhưng công ty cũng chỉ cho người lao động làm việc 8 giờ/ngày, chưa tăng ca. Không chỉ chia ca làm việc, ăn trưa, chia vách ngăn tại khu vực nhà ăn, công ty còn đầu tư các vách ngăn tại các nhà xưởng để bảo đảm khoảng cách an toàn cho mỗi công nhân.
Chị Đỗ Thị Mai ở phường Cộng Hòa là công nhân làm việc tại xưởng sản xuất trong nhà máy tại KCN Cộng Hòa cho biết trước đây, mỗi tháng chị có thu nhập 8- 9 triệu đồng. Sau gần 2 tháng nghỉ việc, thu nhập không có, chị Mai cũng như nhiều lao động khác của công ty gặp rất nhiều khó khăn. "Ngày đầu tiên đi làm trở lại, tôi hơi lo lắng, nhưng khi đến công ty làm việc tôi lại thấy rất yên tâm. Công ty kiểm soát rất nghiêm ngặt, chặt chẽ ở các khâu; thường xuyên có người đi kiểm tra, nhắc nhở người lao động tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch", chị Mai nói.
Theo Công ty Poyun, doanh nghiệp đã xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh gắn liền với phòng chống dịch Covid-19; lập danh sách các lao động làm việc trở lại theo từng giai đoạn gửi cơ quan chức năng. Mỗi tuần, công ty thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh 2 lần. DN đã xây dựng phương án đánh giá, xử lý khi có lao động hoặc khách hàng đến công ty có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 và có phương án phân luồng, khử khuẩn, vệ sinh môi trường khi có người lao động được xác định mắc Covid-19 tại nơi làm việc.