Công ty tài chính Trung Quốc đe dọa ngân hàng châu Âu
Ant Group của tỷ phú Jack Ma buộc phải hoãn IPO, nhưng giới quan sát nhận định một số công ty tài chính Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa lớn với các ngân hàng châu Âu.
Những năm gần đây, thị trường châu Âu đón nhận làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Những tay chơi mới dần trở thành đối thủ đáng gờm của các ngân hàng truyền thống thông qua dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Theo giới chuyên gia, dù chưa thực sự đe dọa tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, ngành fintech đã thổi bùng một cuộc chiến mới trong thời đại công nghệ số, buộc các tổ chức tài chính truyền thống phải đổi mới cách thức tiếp cận khách hàng.
"Đối thủ thực sự của các ngân hàng truyền thống trong tương lai có thể là GAFAM - bao gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft, hoặc Ant Group - đế chế tài chính của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma. Họ đều có khả năng huy động vốn khá lớn", AFP dẫn lời ông Frederic Oudea, lãnh đạo Ngân hàng Societe Generale (Pháp), đánh giá.
Trên thực tế, các công ty công nghệ Mỹ đã và đang nỗ lực tìm bước đột phá trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Trong khi đó, đây là mảng một số tập đoàn Trung Quốc đã tiến xa trong vài năm qua.
Ant Group từng là cái tên từng gây sốt đối với giới đầu tư vào tháng trước với kỳ vọng huy động được số vốn kỷ lục 34 tỷ USD trong đợt IPO đầu tiên. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc ra lệnh hoãn đợt niêm yết của Ant Group vì những quy định tài chính mới.
Tập đoàn này sở hữu Alipay, nền tảng thanh toán phổ biến nhất Trung Quốc. Đối thủ chính của Alipay là WeChat Pay, thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Tencent.
Vài năm gần đây, người dân Trung Quốc ngày càng ưa sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến do sự tiện lợi, việc quét mã QR của Alipay hoặc WeChat Pay đã trở nên phổ biến. Riêng ứng dụng Alipay có 731 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng.
Chỉ trong vài năm, hai nền tảng fintech này đã biến Trung Quốc - từ một quốc gia tôn sùng tiền mặt - sang một xã hội mà điện thoại thông minh là phương tiện thanh toán được ưa chuộng.
Tuy nhiên, các ứng dụng như Alipay hay WeChat Pay còn kiếm tiền thông qua các dịch vụ tài chính như mở tài khoản đầu tư hay vay tiền. Thanh toán chỉ là phần nổi của tảng băng. Mục tiêu của các siêu ứng dụng này là lôi kéo người dùng sử dụng ứng dụng càng lâu càng tốt.
Fintech thực sự đã xâm nhập sâu vào cuộc sống hàng ngày của người Trung Quốc - từ sáng đến tối - với tất cả chức năng cần thiết từ trò chuyện với bạn bè, đặt taxi, gọi đồ ăn cho tới phục vụ công việc.
Trước sự bùng nổ ấn tượng của lĩnh vực công nghệ tài chính Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là mô hình này liệu có thể được tái tạo ở mức độ nào tại châu Âu, đặc biệt sau khi Ant Group nhận cú sốc trước thềm IPO chỉ vài ngày.
"Các ngân hàng vẫn đang được bảo vệ", Julien Maldonato, chuyên gia dịch vụ tài chính tại hãng tư vấn Deloitte, cho biết. “Dù vậy, những rào cản này sẽ không bảo vệ ngành ngân hàng mãi mãi", ông nhấn mạnh.
Một trong những rào cản văn hóa ở châu Âu là mã QR. Theo chuyên gia Christopher Schmitz đến từ Ernst & Young, việc thanh toán bằng mã QR không phổ biến tại châu Âu.
Dù vậy, chuyên gia của Deloitte cho rằng các hãng công nghệ Mỹ ngày càng khẳng định tầm ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày của người phương Tây.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc có thừa tiền để phát triển công nghệ mới và thu hút khách hàng của ngành ngân hàng truyền thống.
Theo AFP, Alibaba và Tencent đều có kế hoạch đầu tư khoảng 70 tỷ USD trong 5 năm tới. "Điều đó sẽ khiến người Mỹ lo ngại và đẩy nhanh các khoản đầu tư, trong khi các công ty châu Âu vẫn còn chật vật để kiếm vài tỷ USD", ông Maldonato nhận định.