Công ty Thanh Tuấn - Thế lực xây lắp 'ẩn mình' giữa lòng TP. Hồ Chí Minh

Nhà thầu kiệm tiếng - Công ty Thanh Tuấn là nhân vật chính trong dự án hơn 8.000 tỷ đồng của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Vận tải Thanh Tuấn (MST 0302740032, viết tắt là Công ty Thanh Tuấn) có "đại bản doanh" tại phường Bình An, quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Thanh Liêm (SN 1969), doanh nhân gốc Long An đang trú tại phường An Khánh, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Giúp việc cho ông Liêm trong công tác quản lý, điều hành Công ty Thanh Tuấn còn có ông Phạm Văn Hưởng (SN 1969), cũng trú tại phường An Khánh, quận 2.

Doanh nghiệp được thành lập từ tháng 10/2002, tới nay đã suýt soát 22 tuổi nghề. Thời kỳ hưng thịnh nhất của Công ty Thanh Tuấn bắt đầu khoảng 1 thập kỷ qua, nhà thầu vô danh đã vươn lên thành "ngôi sao sáng" trong làng xây dựng hạ tầng khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp tư nhân không đại chúng, nên tiềm lực của Công ty Thanh Tuấn vẫn là dấu hỏi đang chờ khám phá.

Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn là nhân vật chính trong đại dự án hơn 300 triệu USD, dấy lên những đồn đoán về một "thế lực giấu mình" sở hữu tiềm lực và sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường xây dựng TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Công ty Thanh Tuấn

Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn là nhân vật chính trong đại dự án hơn 300 triệu USD, dấy lên những đồn đoán về một "thế lực giấu mình" sở hữu tiềm lực và sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường xây dựng TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Công ty Thanh Tuấn

"Mèo nhỏ bắt chuột to"

Theo tài liệu của Báo Công Thương, trước tháng 12/2020, khá bất ngờ rằng Công ty Thanh Tuấn chỉ có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Liêm sở hữu 75% vốn tương đương 15 tỷ đồng, xếp sau là bà Nguyễn Thị Nga (SN 1960) và bà Trần Thị Kim Nương (SN 1969) - cùng chia đôi số cổ phần 25% còn lại.

Sau thời điểm này, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 90 tỷ đồng và duy trì đến nay. Song, tỷ lệ sở hữu không thay đổi, tiếp tục được giữ nguyên như trên.

Với số vốn điều lệ khiêm tốn và có phần ít ỏi đối với rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành, vậy nhưng, Công ty Thanh Tuấn của ông Nguyễn Thanh Liêm đã làm nên những chiến công ngoài sức tưởng tượng. Khác biệt so với đa số đối thủ đang phải tìm đường sống giữa thị trường xây dựng chật chội, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Công ty Thanh Tuấn dường như đứng ngoài khó khăn, thách thức đó.

Thay vì đổ "núi tiền" vào các hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu theo lối thông thường, hoặc miệt mài tìm đủ mọi cách tăng vốn để hòng củng cố niềm tin và uy tín, đại gia Nguyễn Thanh Liêm chọn chiến lược "ẩn mình", âm thầm và lặng lẽ nhưng vẫn dễ dàng chinh phục được các cơ quan, tổ chức được Nhà nước trao quyền quyết định tại các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Hai cái tên tiêu biểu đại diện cho nhóm "đối tác ruột" của Công ty Thanh Tuấn, đều trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh, ấy là Ban Quản lý dự án 1547 (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Thực tế, Ban Quản lý dự án 1547 là cơ quan được sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị từ năm 2019, có chung địa chỉ tại số 10 Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1.

Sự kiện đánh dấu sự hợp tác giữa Công ty Thanh Tuấn và Ban Quản lý dự án 1547 hay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị diễn ra năm 2018, cũng đồng thời tạo bước ngoặt phát triển mới cho doanh nghiệp do ông Nguyễn Thanh Liêm sáng lập.

Khi ấy, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1547 Đinh Thanh Nghị đã ký quyết định lựa chọn Công ty Thanh Tuấn làm nhà thầu thực hiện Gói thầu số 14 "Xây lắp đê bao đoạn 1-2-3-4" thuộc dự án Xây dựng 4 đoạn đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Đức thuộc Bờ tả sông Sài Gòn, trị giá hơn 252,6 tỷ đồng.

Quyết định số 998/QLDA.1547 có viết, để trúng gói thầu, Công ty Thanh Tuấn đã vượt qua 2 đối thủ là Công ty TNHH MTV Trần Trân và Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh một cách ngoạn mục, theo đó lý do bị loại cùng là "Hồ sơ đề xuất kỹ thuật không đáp ứng tính hợp lệ, không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu"...

Tuy nhiên như đã đề cập phía trên, trước năm trúng gói thầu (2017), báo cáo tài chính Công ty Thanh Tuấn chỉ ghi nhận vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tương đương Công ty Trần Trân và thua kém Công ty Xây dựng Minh Anh khá nhiều lần.

Quyết định số 998/QLDA.1547 ngày 24/12/2018 ký bởi Phó Giám đốc Đinh Thanh Nghị. Ảnh chụp màn hình.

Quyết định số 998/QLDA.1547 ngày 24/12/2018 ký bởi Phó Giám đốc Đinh Thanh Nghị. Ảnh chụp màn hình.

Gói thầu số 14 "Xây lắp đê bao đoạn 1-2-3-4" mở ra giai đoạn "hoàng kim" cho doanh nghiệp. Kết thúc năm 2018, doanh thu của Công ty Thanh Tuấn tăng hơn 2,2 lần lên 673 tỷ đồng, là con số trước giờ họ chưa từng đạt được. Nối tiếp thành công, cuối năm 2019 - đầu năm 2020, Công ty Thanh Tuấn trúng thêm 2 gói thầu cỡ lớn khác của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị - cơ quan mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Đầu tư dự án vệ sinh môi trường thành phố và Ban Quản lý dự án 1547.

Theo đó, Gói thầu số 15 "Xây lắp 1 từ K0+000 đến K3+311" và Gói thầu số 16 "Xây lắp 2 từ K3+311 đến K6+650" có tổng giá trị 1.094 tỷ đồng, trong đó, Công ty Thanh Tuấn lượt lần trúng với tư cách là Liên danh chính và Liên danh phụ. Đây còn là hai gói thầu lớn nhất nằm trong dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi, quận 8, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) được phê duyệt tổng mức đầu tư 1.397 tỷ đồng, sử dụng ngân sách thành phố, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2022, Công ty Thanh Tuấn tiếp tục được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị "chọn mặt gửi vàng", tín nhiệm giao làm tận 8/10 gói thầu xây lắp "khủng" thuộc "đại dự án" xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) sử dụng hơn 8.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

Mục tiêu của "đại dự án" là nâng cấp hệ thống thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn; đồng thời chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường khu vực dự án, tăng cường kết nối giao thông cho trục Bắc - Nam.

Một nửa trong số 8 gói thầu mà Công ty Thanh Tuấn giành chiến thắng nêu trên, là vai trò Liên danh chính, cũng có nghĩa doanh nghiệp là "lá cờ đầu" dẫn dắt các cộng sự từ khâu lập kế hoạch thi công, thương thảo, cho tới điều phối khối lượng công việc từng bên. Trong số nhà thầu phụ của Công ty Thanh Tuấn, xuất hiện vài cái tên rất đáng chú ý như Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Tập đoàn Thuận An...

Nói vậy để thấy, không ai khác, đây là nhân vật chính trong cuộc chơi hơn 300 triệu USD, dấy lên những đồn đoán về một "thế lực giấu mình" sở hữu tiềm lực và sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường xây dựng TP. Hồ Chí Minh, mang tên Thanh Tuấn. Mà "công thần" đem tới cơ hội "đổi đời" cho Công ty Thanh Tuấn, chắc hẳn là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị - "sân chơi" dễ thắng đến nỗi Công ty Thanh Tuấn cứ nộp hồ sơ dự thầu... là "mặc định" trúng thầu.

Một chi tiết khá thú vị, ấy là người ký phê duyệt kết quả trúng thầu gần như "trọn bộ" 7/8 gói thầu cho Công ty Thanh Tuấn và đồng đội là Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Anh Dũng. Trước đây, ông Dũng là Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trong cuộc họp tháng 4/2024. Ảnh: VTCNews.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trong cuộc họp tháng 4/2024. Ảnh: VTCNews.

Ngày nay, danh tiếng của Công ty Thanh Tuấn còn vang vọng rộng khắp các thị trường lân cận phía Nam, từ Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, đến quê nhà Long An của doanh nhân Nguyễn Thanh Liêm.

Theo thống kê của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhà thầu đã tham gia 60 gói thầu, tổng giá trị hợp đồng gần 8.000 tỷ đồng (trong cả vai trò độc lập lẫn liên danh), đặc biệt số lần trượt thầu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Doanh nghiệp phát triển lớn mạnh là điều vô cùng tích cực, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, góp phần an sinh xã hội, đưa nền kinh tế của đất nước đi lên. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đấu thầu, tình trạng nhà thầu và chủ đầu tư "móc ngoặc", "đi đêm" hòng thực hiện các chiêu trò như "cài thầu quen, chèn thầu lạ", "thông thầu"... để tham nhũng, trục lợi ngân sách nhà nước, xưa nay chẳng hiếm.

Vấn nạn đã tồn tại nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận và cơ quan thanh tra, điều tra đang tập trung "gột rửa" hoạt động này, mang lại sự minh bạch cho thị trường bằng cách đưa ra ánh sáng hàng loạt các vụ án lớn, gây chấn động khắp cả nước như Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An...

Rủi ro từ nợ nần

Về hoạt động kinh doanh của Công ty Thanh Tuấn, vẫn theo tài liệu của Báo Công Thương, năm 2023 vừa qua là khoảnh khắc thăng hoa nhất của nhà thầu. Kịch bản lặp lại hồi năm 2018, việc bắt đầu hạch toán doanh thu từ 8 gói thầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị giúp doanh thu Công ty Thanh Tuấn lập "đỉnh" lịch sử 1.348 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức "đỉnh" cũ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cũng lên "nhấn ga" lên mốc 6,4 tỷ đồng trong năm nay, tăng hơn 3 lần năm 2018.

Để có nguồn vốn chi trả cho các công trình, dự án lớn đang thi công, Công ty Thanh Tuấn buộc phải chiếm dụng vốn từ bên ngoài, qua đó nợ phải trả đã tăng đến 874,5 tỷ đồng, đè nặng áp lực trả nợ lên vốn chủ sở hữu 118 tỷ đồng, hệ số chênh lệch giữa nợ và vốn lên tới 7,4 lần, tương đương 756 tỷ đồng.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mạnh tay cho thấy Công ty Thanh Tuấn có dấu hiệu "khoác chiếc áo quá rộng", vốn liếng hạn chế nhưng được giao làm dự án trọng điểm cả ngàn tỷ đồng tạo rủi ro không chỉ riêng doanh nghiệp, mà sâu xa hơn là đối tác, chủ nợ, chủ đầu tư và nhân dân nếu chẳng may trường hợp xấu xảy đến, tiến độ thi công bị ảnh hưởng, hoặc chất lượng dự án không đạt yêu cầu.

Phần lớn tài sản của Công ty Thanh Tuấn hình thành từ nợ phải trả. Ảnh chụp màn hình

Phần lớn tài sản của Công ty Thanh Tuấn hình thành từ nợ phải trả. Ảnh chụp màn hình

Tỷ lệ nợ trên vốn (D/E) của Công ty Thanh Tuấn thậm chí bỏ xa rất nhiều "ông lớn" trong ngành khác trong cùng thời điểm. Chẳng hạn cuối năm 2023, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex đang có 18.344 nợ phải trả, 10.766 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (tương ứng hệ số D/E là 1,7 lần), Tổng công ty Xây dựng số 1 (D/E là 2,5 lần), Tập đoàn Cienco4 (1,58 lần), Công ty Xây dựng Coteccons (1,45 lần)...

Sẽ là thiếu sót, nếu không nhắc đến một trong những chủ nợ lớn của Công ty Thanh Tuấn, là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (trụ sở tại phường 5, quận 3). Đơn cử, tháng 10/2023, Công ty Thanh Tuấn đã đem "Quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 197/HĐ-BHTĐT ký ngày 23/12/2022 giữa Liên danh Công ty Thanh Tuấn - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty Xây dựng Trung Nam 18 E&C... và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm tài sản bảo đảm cho khoản cấp tín dụng lên tới 1.440 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 10/2023, TPBank - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là đơn vị bố trí nguồn lực cần thiết cho Công ty Thanh Tuấn với hạn mức tối đa 1.440 tỷ đồng, dựa trên tài sản bảo đảm là "Quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 193/HĐ-BHTĐT ký ngày 23/12/2022 giữa Liên danh Công ty Cổ phần Hải Đăng - Công ty Thanh Tuấn - Tập đoàn Thuận An... và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.

Với cách làm tương tự, trước đó, mối quan hệ giữa Công ty Thanh Tuấn và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) - Chi nhánh Phú Nhuận cũng được xây dựng và kéo dài suốt nhiều năm.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-ty-thanh-tuan-the-luc-xay-lap-an-minh-giua-long-tp-ho-chi-minh-326475.html