Công ty Thế giới di động (MWG): Tồn kho và nợ vay tăng mạnh, dòng tiền âm
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã CK: MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tồn kho và nợ vay của doanh nghiệp tiếp tục tăng, dòng tiền âm lên tới 1.859 tỷ đồng.
Một cửa hàng Thế giới di động của MWG.
Theo đó, kết thúc quý 1/2021, MWG ghi nhận doanh thu đạt 30.828 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.337 tỷ, tăng tương ứng 5% và 18% so với cùng kỳ.
Trong đó, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu gần 6.000 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 32% so với cùng kỳ và chiếm hơn 19% doanh thu toàn tập đoàn.
MWG cho biết doanh số bán các sản phẩm điện thoại, gia dụng, máy tính xách tay, đồng hồ trong quý đầu năm nay tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2020; doanh số điện lạnh chỉ đi ngang và doanh số sản phẩm điện tử tiếp tục sụt giảm so sức cầu yếu.
Cuối tháng 3/2021, chuỗi Điện máy Xanh Supermini (ĐMS) có 410 cửa hàng, trong đó gồm 22 cửa hàng mở mới chỉ trong tháng 3. ĐMS đóng góp gần 1.300 tỷ đồng doanh thu lũy kế sau 3 tháng, chiếm 8% doanh thu của chuỗi Điện máy Xanh.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp ghi nhận 7.024,9 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; chi phí bán hàng tăng 12,2% so với cùng kỳ, lên 4.245,1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 39,6% so với cùng kỳ, lên 1.088,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Cùng với sự gia tăng lợi nhuận, quý 1/2021 cũng ghi nhận những biến động đáng lưu ý trong cơ cấu tài sản và tổng nợ của MWG.
Tại thời điểm 31/3/2021, MWG sở hữu gần 49.886 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 3.855 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 23.253 tỷ đồng, chiếm 46,6% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 14.827 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 7.744,6 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng tài sản.
Hàng tồn kho của MWG giai đoạn 2017 đến quý 1/2021 (đơn vị: Tỷ đồng).
Tài sản của MWG tăng chủ yếu do hàng tồn kho tăng. Khoản mục tồn kho cuối kỳ của doanh nghiệp ghi nhận tăng từ 19.422 tỷ đồng lên 23.253 tỷ đồng, tăng 20%. Trong đó, tồn kho nhiều nhất là sản phẩm điện thoại di động với hơn 5.639 tỷ đồng, tăng so với 3.509 tỷ đồng đầu năm; thiết bị điện tử tăng 1.350 tỷ đồng lên 8.385 tỷ đồng.
Khoản mục tồn kho của MWG tăng mạnh từ năm 2017 đến nay tăng mạnh và luôn duy trì ở mức cao. Ghi nhận 12.050 tỷ đồng vào năm 2017, tồn kh cao nhất vào năm 2019 với 25.745 tỷ đồng và kết thúc quý 1/2021 là 23.253 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng 9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 143,4 tỷ đồng lên 1.738,7 tỷ đồng.
Tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh là hai nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của MWG trong quý 1/2021 âm 1.859 tỷ đồng, trong khi cùng thời điểm năm ngoái dương 3.829 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tính đến hết tháng 3/2021, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận 32.932 tỷ đồng, tăng 2.383 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn chiếm đến 96,6% với 31.804 tỷ đồng, nợ dài hạn chỉ chiếm 3,4% với 1.128 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là nợ ngân hàng ngắn hạn với 18.588 tỷ đồng.
Trong kỳ, MWG phải trả người bán ngắn hạn 9.616 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là khoản phải trả cho Apple 5.608 tỷ đồng, Samsung Electronics 1.042 tỷ đồng và Panasonic Việt Nam hơn 848 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1, vốn chủ sở hữu của MWG đạt 16.954 tỷ đồng, trong đó có 4.661 tỷ đồng vốn cổ phần và 11.728 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn 66%, tăng so với tỷ lệ 64% đầu năm.
Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần là 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 21% so với kết quả năm trước. Với kết đạt được trong quý 1, MWG hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận năm.