Công ty Thụy Sĩ thử nghiệm thành công dầu diesel sản xuất từ năng lượng mặt trời
Synhelion, một công ty khởi nghiệp năng lượng sạch tại Thụy Sĩ, đã thử nghiệm vận hành thành công tàu hơi nước chạy bằng nhiên liệu diesel làm từ năng lượng mặt trời, mở ra triển vọng khử carbon cho ngành vận tải biển và hàng không toàn cầu.

Tàu hơi nước Gallia chạy trên hồ Lucerne.
Công ty điều hành giao thông đường thủy trên hồ Lucerne (Lake Lucerne Navigation Co.) đã sử dụng loại diesel từ năng lượng mặt trời của Synhelion để vận hành một con tàu hơi nước 110 năm tuổi băng qua hồ Lucerne, Thụy Sĩ. Theo Synhelion, đây là lần đầu tiên trên thế giới một con tàu được vận hành bằng loại nhiên liệu này. Công ty cho biết nhiên liệu đã được sử dụng để đun nóng nước, tạo ra hơi nước để vận hành con tàu.
“Đối với chúng tôi, đây là một màn trình diễn tuyệt vời, nhưng thực sự đó chỉ là điểm khởi đầu”, ông Philipp Furler, Giám đốc điều hành của Synhelion, chia sẻ. Mục tiêu của công ty là tạo ra các loại nhiên liệu bền vững cho ngành vận tải biển và hàng không. Việc thử nghiệm trên hồ Lucerne chỉ là một bước chứng minh ý tưởng.
Theo đó, Synhelion sử dụng năng lượng mặt trời tập trung để tạo ra nhiệt lượng cực cao. Nhiệt này được dùng để biến carbon dioxide và methane (thu thập từ chất thải nông nghiệp) thành hydrogen và carbon monoxide. Các phân tử khí này sau đó kết hợp với nhau để tạo thành các hydrocarbon dài hơn như diesel, có thể sử dụng như nhiên liệu.
Điểm quan trọng là loại nhiên liệu này có thể sử dụng trong các động cơ chạy nhiên liệu hóa thạch hiện có mà không cần thay đổi - được gọi là “nhiên liệu thả” (drop-in fuels). Công ty đang nhắm tới các thị trường như hàng hải, hàng không và vận tải đường bộ để triển khai loại nhiên liệu này.
Synhelion cho biết việc sử dụng loại nhiên liệu mặt trời này có thể giúp giảm tới 80% lượng khí nhà kính phát thải trong suốt hành trình.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành vận tải hiện chiếm khoảng 20-25% lượng khí nhà kính toàn cầu. Mỗi lĩnh vực trong ngành đều đang tìm cách khử carbon.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) mới đây đã thông qua một khung pháp lý ràng buộc, yêu cầu các công ty vận tải biển phải giảm phát thải. Theo khung pháp lý này, các chủ tàu phải sử dụng nhiên liệu xanh với khối lượng tăng dần theo thời gian, hoặc bù đắp lượng phát thải thông qua các tín chỉ carbon.
Trong khi đó, hệ thống tín chỉ carbon Corsia của ngành hàng không đã được phát triển nhằm bù đắp lượng khí thải của ngành, trong bối cảnh khả năng tiếp cận nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang dần được cải thiện. Hiện tại, sản lượng SAF vẫn còn hạn chế, mặc dù luật pháp tại một số khu vực như châu Âu đã bắt buộc các hãng hàng không phải sử dụng nhiên liệu xanh, với định mức tăng theo thời gian.
Synhelion dự báo ngành hàng hải sẽ cần khoảng 24 triệu tấn nhiên liệu lỏng bền vững vào năm 2050, trong khi ngành hàng không sẽ cần tới 192 triệu tấn vào cùng thời điểm.