Công ty TNHH Nobland Việt Nam tạm dừng phương án cắt giảm hơn 600 lao động
Nguyện vọng của người lao động là được tiếp tục làm việc, hưởng lương thời gian theo hợp đồng lao động đã giao kết. Trường hợp công ty quyết cắt giảm thì phải có mức bồi thường thỏa đáng hơn
Tại buổi làm việc của Đại diện công ty cùng Hepza, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, LĐLĐ TP HCM cùng một số đơn vị chức năng sáng 25-8, các bên đã thống nhất tạm ngừng thực hiện phương án sử dụng lao động tại công ty. Phía công ty sẽ rà soát lại danh sách lao động cắt giảm, xây dựng lại phương án sử dụng lao động và thực hiện đúng quy trình khi cắt giảm lao động theo quy định pháp luật.
Trước đó, sau khi gửi văn bản về việc cho thôi việc nhiều người lao động đến Ban Quản lý Các Khu chế xuất- Khu công nghiệp TP HCM (Hepza) vào ngày 7-8, ngày 24-8, Công ty TNHH Nobland Việt Nam (KCN Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM) đã thông báo danh sách cắt giảm đến 611 lao động.
Theo văn bản gửi Hepza, lý do công ty cho 611/2.504 người lao động thôi việc là thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 42 của bộ Luật Lao động 2019. Trước khi thực hiện cắt giảm Công ty cũng đã trao đổi và thống nhất ý kiến với Công đoàn cơ sở. Khi thôi việc, người lao động được thanh toán phép năm (nếu còn) và trợ cấp mất việc (đối với những người đủ điều kiện theo điều 47 Bộ luật Lao động 2019, mức thấp nhất là 2 tháng lương). Tổng số tiền trợ cấp mất việc công ty dự kiến chi trả là hơn 14 tỉ đồng.
Theo kế hoạch trước ngày 20-8, công ty thông báo kế hoạch và số lượng cắt giảm đến người lao động. Ngày 21-8 trở đi công ty sẽ thực hiện giảm theo từng nhóm/bộ phận/xưởng. Người lao động sẽ nghỉ việc sau 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo. Công ty cũng sẽ làm thủ tục chốt và sổ BHXH cho người lao động chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, khi công ty công bố thông tin cắt giảm, người lao động đã phản ứng bởi lãnh đạo doanh nghiệp chưa từng gặp gỡ, đối thoại với họ và Công đoàn cơ sở, cũng chưa tổ chức lấy ý kiến công nhân trước khi thực hiện cắt giảm. Bên cạnh đó, từ danh sách cắt giảm cho thấy, đa số người bị cắt giảm là công nhân lâu năm và đang hưởng lương thời gian. Các công nhân cho rằng việc cắt giảm của công ty đang nhắm vào những người hưởng lương thời gian nhưng không đồng ý chuyển qua hưởng lương sản phẩm.
Trước đây, cũng vì muốn chuyển lương công nhân từ thời gian qua lương sản phẩm cũng khiến công ty này xảy ra tranh chấp lao động tập thể vào cuối năm 2021. Do phản ứng quyết liệt của công nhân và quy trình thực hiện chưa đúng quy định, công ty phải tiếp tục duy trì trả lương thời gian cho người lao động từ đó đến nay.
Nguyện vọng của người lao động hiện tại là được tiếp tục làm việc, hưởng lương thời gian theo hợp đồng lao động đã giao kết. Trường hợp công ty quyết cắt giảm thì phải có mức bồi thường thỏa đáng hơn.