Công ty TNHH Sợi Đà Lạt: Cam kết hướng đến những giải pháp bền vững về sinh thái

Công ty TNHH Sợi Đà Lạt DWS sở hữu nhà máy kéo sợi lông cừu theo tiêu chuẩn Châu Âu được Tập đoàn Sudwolle Group đầu tư với 2 cơ sở tại Đà Lạt quy mô trên 60.000 mét vuông. Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, công suất thiết kế đạt khoảng 5.000 tấn sợi/năm.

Đây cũng là 1 trong 12 dự án trọng điểm được UBND tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vừa mới được tổ chức.

Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Karol Sieradzki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sợi Đà Lạt DWS về quá trình đầu tư và những kết quả bước đầu của Tập đoàn Sudwolle Group khi thực hiện đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

Ông Karol Sieradzki - Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Sợi Đà Lạt DWS

Ông Karol Sieradzki - Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Sợi Đà Lạt DWS

Phóng viên: Xin chào ông! Cảm ơn ông đã dành thời gian tiếp đón chúng tôi và trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng. Theo như tôi được biết, Nhà máy Sợi Đà Lạt là nhà máy sợi lông cừu đầu tiên được đầu tư tại Việt Nam, ông có thể nói rõ hơn về lý do lựa chọn TP Đà Lạt để xây dựng nhà máy này?

Ông Karol Sieradzki: Công ty TNHH Sợi Đà Lạt là công ty liên doanh giữa Südwolle Group, một công ty tư nhân từ Đức, và Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương (LPTEX). Đây là một trong những nhà máy sản xuất sợi len lông cừu chải kỹ hiện đại và bền vững nhất trên thế giới.

Südwolle Group có các văn phòng kinh doanh trên toàn thế giới và các cơ sở sản xuất và nhà kho ở 8 quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Chính vì những chính sách cởi mở của Việt Nam với các hiệp định thương mại tự do được ký kết với rất nhiều quốc gia trên thế giới, nên Ban Điều hành của Tập đoàn chúng tôi đã quyết định đầu tư vào Việt Nam. Đây là quyết định vô cùng sáng suốt vì đã tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho chúng tôi cũng như khách hàng của chúng tôi.

Đặc biệt, TP Đà Lạt với khí hậu mát mẻ, môi trường tự nhiên trong lành là điều kiện lý tưởng để cán bộ, công nhân viên của công ty làm việc. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi trong việc thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng dành cho doanh nghiệp cũng đã góp phần đưa đến sự lựa chọn đặt nhà máy tại Đà Lạt - Lâm Đồng của chúng tôi.

Sản phẩm của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt được đánh giá thân thiện môi trường, phù hợp với các quy định xuất khẩu mới

Sản phẩm của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt được đánh giá thân thiện môi trường, phù hợp với các quy định xuất khẩu mới

Phóng viên: Ngay từ khi bắt đầu đặt chân đến Đà Lạt, Tập đoàn Südwolle đã xác định xây dựng hạ tầng và sản xuất theo hướng cân bằng sinh thái, ông có thể giải thích cụ thể hơn về điều này?

Ông Karol Sieradzki: Là đơn vị dẫn đầu trong ngành sản xuất sợi lông cừu, Südwolle Group luôn hướng đến việc kết nối chuỗi cung ứng, khơi gợi cảm hứng và tạo cơ hội chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm và công nghệ mới. Chúng tôi cam kết hướng đến những giải pháp bền vững và minh bạch trong ngành nghề của mình. Công ty đáp ứng những tiêu chuẩn sinh thái bao gồm ZDHC, bluesign, OEKO-TEX, và các chứng nhận truy xuất như GOTS, IVN Best, GRS, RWS…

Không chỉ là nhà máy kéo sợi đầu tiên của Việt Nam, DWS còn là một trong những nhà máy kéo sợi hiện đại nhất thế giới. Một trong những đặc điểm nổi bật của Nhà máy Sợi Đà Lạt - DWS là sản xuất theo tôn chỉ Biobalance, nghĩa là cân bằng sinh thái. Đây là cơ sở sản xuất kéo sợi len lông cừu đầu tiên tại Việt Nam có hệ thống máy móc tiên tiến và sử dụng nguồn năng lượng sạch từ điện mặt trời, với công suất 2.04 MWp.

Hệ thống điện mặt trời tại Nhà máy Sợi Đà Lạt sử dụng 3.456 tấm pin năng lượng mặt trời và 16 bộ inverter SMA Sunny Tripower CORE 2 công suất 110kW

Hệ thống điện mặt trời tại Nhà máy Sợi Đà Lạt sử dụng 3.456 tấm pin năng lượng mặt trời và 16 bộ inverter SMA Sunny Tripower CORE 2 công suất 110kW

Khi chọn lựa vùng đất Đà Lạt để đặt nhà máy kéo sợi, Công ty đã hướng tới sản xuất sạch hơn, với việc ứng dụng mọi kỹ thuật, máy móc để giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải nước, rác, điện, khí nhà kính cũng như tăng việc sử dụng các nguồn năng lượng bền vững.

Do đó, Công ty hợp tác xây dựng một hệ thống điện mặt trời áp mái trên tất cả các nhà xưởng. Hệ thống không nối lưới điện quốc gia, chỉ sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp, chủ yếu tại khu vực kéo sợi. Không chỉ điện, nước thải của nhà máy sản xuất cũng được Công ty thu hồi, xử lý để đưa vào tái sử dụng trong bộ phận hấp, lượng nước còn lại thải ra đều đạt chuẩn A.

Không chỉ xây dựng nhà máy hiện đại, áp dụng các hệ thống giảm tiêu hao năng lượng, Công ty Sợi Đà Lạt còn chú trọng tới việc đào tạo con người để đảm bảo mỗi thành viên đều có ý thức về bảo vệ môi trường.

Công ty Sợi Đà Lạt đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 14000 về môi trường; trong đó, có một quy trình rất rõ về đào tạo người lao động trong các khâu sản xuất. Chúng tôi coi việc đào tạo người lao động là một cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nhà máy Sợi Đà Lạt cam kết hướng đến những giải pháp bền vững và minh bạch trong ngành nghề

Nhà máy Sợi Đà Lạt cam kết hướng đến những giải pháp bền vững và minh bạch trong ngành nghề

Phóng viên: Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Sợi Đà Lạt đã đạt được những kết quả quan trọng như thế nào, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ông Karol Sieradzki: Tổng năng lực sản xuất của Tập đoàn là 25.500 tấn/năm đối với sợi dài và 6.000 tấn/năm đối với sợi dệt khí. Trong đó, nhà máy hiện có của chúng tôi ở Việt Nam có công suất là 3.000 tấn/năm.

Hiện, Công ty Sợi Đà Lạt có thể sản xuất cả sợi tự nhiên và sợi tổng hợp thuần len hoặc pha len được sử dụng cho cả dệt thoi, dệt kim tròn, dệt kim phẳng, dệt vớ và sợi kỹ thuật. Trong kế hoạch chiến lược của chúng tôi, nhà máy thứ 2 tại Đà Lạt với công suất 2.000 tấn/ năm sẽ được đầu tư trong 2 năm tới, nâng tổng công suất nhà máy từ 3.000 tấn/ năm lên 5.000 tấn/năm. Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ của các ban, ngành địa phương, nhà máy thứ 2 được thực hiện như đã cam kết.

Cho đến nay, chúng tôi đã sản xuất được 8.211 tấn với tổng doanh thu gần 20.000 tỉ đồng; trong đó, doanh thu nội địa đạt 1.590 tỉ đồng và doanh thu xuất khẩu đạt 18.410 tỉ đồng. Chúng tôi đã nộp ngân sách nhà nước hơn 246 tỉ đồng.

Hiện, Công ty Sợi Đà Lạt đang sử dụng gần 300 lao động địa phương và dự kiến sẽ có thêm 200 lao động nữa khi nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động.

Nhà máy sợi Đà Lạt là một trong những nhà máy sản xuất sợi len lông cừu chải kỹ hiện đại và bền vững nhất trên thế giới

Nhà máy sợi Đà Lạt là một trong những nhà máy sản xuất sợi len lông cừu chải kỹ hiện đại và bền vững nhất trên thế giới

Phóng viên:Được biết, bên cạnh nhiều thuận lợi thì Công ty cũng còn một số khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai đầu tư, vậy ông có kiến nghị hay đề xuất gì cho Công ty TNHH Sợi Đà Lạt nói riêng cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung khi thực hiện đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng?

Ông Karol Sieradzki: Hiện tại, chúng tôi phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc vì công ty không tìm được đơn vị có thể gia công nhuộm lông cừu tại Việt Nam. Để cải thiện thời gian giao hàng cũng như cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất cho nhà máy kéo sợi tại Đà Lạt, chúng tôi đang xây dựng Nhà máy dệt nhuộm hiện đại nhất tại Khu Công nghiệp Du Long, tỉnh Ninh Thuận với công suất 1.500 tấn/năm. Chúng tôi mong đợi nhà máy dệt nhuộm này sẽ đi vào sản xuất từ đầu năm sau, năm 2025.

Mặt khác, do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong 5 năm qua, kết quả kinh doanh toàn cầu của tập đoàn chúng tôi không tốt như mong đợi. Tuy nhiên, nhờ vào những ưu đãi trong việc sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và sự hỗ trợ của UBND tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng, cũng như sự cam kết cao của đội ngũ nhân viên địa phương, Công ty TNHH Sợi Đà Lạt đã bắt đầu đạt được những kết quả tích cực.

Hiện tại, Công ty cũng đang vướng một số khó khăn liên quan đến vấn đề mở rộng dự án và nâng công suất do quy định mới về hạn chế thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lí nước thải. Điều này ảnh hưởng đến việc xin giấy phép môi trường cũng như gây ra lo lắng về việc mở rộng dự án cho giai đoạn 2. Chúng tôi mong muốn tiếp tục có được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, lãnh đạo tỉnh, thành phố để giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được thực hiện như đã cam kết.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Chúc ông thật nhiều sức khỏe và chúc Công ty ngày càng phát triển bền vững!

HOÀNG SA - CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202409/cong-ty-tnhh-soi-da-lat-cam-ket-huong-den-nhung-giai-phap-ben-vung-ve-sinh-thai-5701683/