Công ty Việt Á chào bán kit xét nghiệm, HCDC từ chối vì giá quá cao

'Công ty Việt Á có chào bán kit xét nghiệm nhưng giá quá cao nên HCDC từ chối', Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm nói.

Chiều 20/12, TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 15/12 đến 19/12, TP.HCM đã tiêm 22.516 mũi vaccine bổ sung và 55.850 mũi vaccine nhắc lại.

Trả lời câu hỏi của Zing về tình hình ế ẩm của hoạt động vận tải hành khách thời gian qua, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT), cho biết trải qua đợt dịch bùng phát lần thứ 4, tình hình mua vé tàu, xe dịp Tết có ế ẩm, vận tải hành khách liên tỉnh gặp khó khăn. Tình hình này kéo dài từ Tết 2020.

 Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Về giải pháp cải thiện, ông Bằng cho hay về mặt thị trường, đơn vị không thể can thiệp mà chỉ có thể giúp việc kiểm soát dịch có hiệu quả tại các đơn vị vận tải. Từ đó, khi tình hình dịch được kiểm soát, người dân sẽ có nhu cầu về quê nhiều hơn, tình hình vận tải sẽ ổn hơn.

Phát hiện 7 người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Trả lời Zing về tình hình nhập cảnh trái phép 2 tháng qua, ông Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết từ ngày 1/10 đến nay, Công an TP.HCM phát hiện và xử lý 7 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Trong đó, 6 người quốc tịch Trung Quốc và một người Nigeria. 1/6 người nhập cảnh qua đường Campuchia vào Việt Nam và đến TP.HCM. Cả 7 trường hợp này âm tính với SARS-CoV-2.

Để phòng chống Covid-19 và biến chủng mới Omicron, công an tổ chức xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, phối hợp với cơ quan y tế xét nghiệm nCoV; cách ly tại huyện Nhà Bè (dành cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép) sau đó kiểm soát theo quy định.

Ông Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP.HCM đang mở cao điểm phòng chống nhập cảnh trái phép, dự kiến triển khai từ 1/1/2022 đến tháng 4/2022.

Về kết quả xử lý vi phạm phòng chống dịch, từ 1/12 đến nay, Công an TP.HCM xử lý 17.639 trường hợp vi phạm Nghị định 100 và 31 trường hợp vi phạm Nghị định 117, chủ yếu là lỗi không mang khẩu trang khi ra đường.

Riêng từ 8/12 đến nay, Công an TP.HCM tăng cường kiểm tra và nhắc nhở 230 trường hợp; xử lý vi phạm hành chính 125 trường hợp bán hàng rong, tụ tập không đúng nơi quy định.

Hôm 18/12, UBND TP.HCM thông báo TP.HCM vẫn duy trì cấp độ dịch 2, với 10 quận, huyện cấp độ 1; 11 địa phương cấp độ 2; chỉ có quận 10 ở cấp độ 3.

So với tuần trước, quận 10 là địa phương duy nhất tăng cấp độ dịch từ 2 lên 3. Ba địa phương giảm cấp độ dịch là quận 3, huyện Cần Giờ (từ cấp 2 xuống cấp 1), quận 4 (từ cấp 3 xuống cấp 2).

Lý giải nguyên nhân chính khiến quận 10 tăng cấp độ dịch từ 2 lên 3, ông Bùi Thế Hải, Phó chủ tịch UBND quận 10, cho biết tuần qua, địa phương xét nghiệm tầm soát nhóm nguy cơ cao và người lao động từ các địa phương khác trở về nên số ca nhiễm tăng.

Ông Hải cho biết quận đã tổ chức các giải pháp kiểm soát cấp độ dịch trên địa bàn. Ngày 17/12, quận 10 đã chỉ đạo 6 phường có cấp độ dịch ở mức 3 hạn chế các sự kiện, quán không bán rượu, bia, tăng cường giám sát khu nhà trọ, nhà cho thuê, bảo vệ người có nguy cơ cao...

Quận 10 cũng lập 2 trạm oxy để cung cấp cho các đơn vị y tế; cùng các nhà thuốc tư nhân phối hợp với 14 phường chăm sóc F0.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GDĐT), cho biết việc quận 10 tăng cấp độ dịch có ảnh hưởng tới kế hoạch học trực tiếp trên địa bàn này.

Đề xuất hỗ trợ tình nguyện viên hơn 4,4 triệu đồng/tháng

Thông tin về chế độ phụ cấp cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo quy định hiện hành, nhóm này được chi theo diện hỗ trợ một phần kinh phí liên quan phụ cấp chống dịch với số tiền 250.000 đồng/người mỗi ngày.

Nếu muốn hỗ trợ, Sở Y tế phải có văn bản đề xuất cơ chế cho các tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch, chủ yếu là người lao động ngoài cơ sở công lập.

Hiện, Sở Y tế đề xuất mức 4.420.000 đồng/người/tháng và được các sở, ban, ngành đồng tình. Nhưng theo Nghị định 163, chế độ tiền lương phụ cấp phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quản lý ngành.

Hiện, UBND đã gửi văn bản lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan. Vì sử dụng kinh phí có tính chất tiền lương, sau khi có ý kiến của các cơ quan chuyên ngành, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM để thông qua.

Về thông tin vụ nâng khống giá bán kit xét nghiệm nCoV của Công ty Việt Á, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết thời gian qua, HCDC không mua và sử dụng kit xét nghiệm nCoV của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

“Trước đó, Công ty Việt Á có chào bán kit xét nghiệm nhưng giá quá cao nên HCDC từ chối. Đối với hoạt động mua sắm vật dụng y tế, HCDC luôn tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi nhập kit xét nghiệm, HCDC cũng chọn giá thành thấp nhất”, ông Tâm cho biết.

Thu Hằng - Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-ty-viet-a-chao-ban-kit-xet-nghiem-hcdc-tu-choi-vi-gia-qua-cao-post1284473.html