Công ước chống bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2021
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 25/6 cho biết công ước mang tính bước ngoặt về ngăn chặn bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc sẽ có hiệu lực vào năm tới sau khi Fiji trở thành quốc gia thứ hai phê chuẩn văn kiện này.
Nội dung công ước đã nhận được sự chấp thuận của đa số quốc gia tham dự hội nghị cách đây một năm nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ILO, song vẫn cần có tối thiểu 2 quốc gia phê chuẩn để công ước này chính thức có hiệu lực.
Trong tuyên bố mới nhất, ILO nêu rõ Uruguay đã phê chuẩn văn kiện trên vào đầu tháng 6 vừa qua và Đại sứ Fiji tại trụ sở ILO ở Geneva, Nazhat Shameem Khan, cũng đã thông báo tới Tổng giám đốc ILO Guy Ryder về quyết định phê chuẩn của đảo quốc này trong buổi lễ trực tuyến ngày 25/6. Theo đó, Công ước ngăn chặn bạo lực và quấy rối nơi làm việc sẽ có hiệu lực kể từ ngày 25/6/2021.
Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay khiến việc công ước trên có hiệu lực càng trở nên cấp thiết do trong thời gian khủng hoảng và bất ổn kinh tế sau tác động của đại dịch, nguy cơ bạo lực và quấy rối càng gia tăng.
Công ước trên thiết lập các quy chuẩn bảo vệ người lao động toàn cầu đối với một loạt vấn đề, trong đó có vấn nạn quấy rối tình dục. Nội dung công ước khẳng định mọi người đều có quyền làm việc trong một môi trường không bạo lực và quấy rối. Văn kiện này cũng thừa nhận hành vi bạo lực và quấy rối tại công sở "có thể vi phạm nhân quyền", là mối đe dọa tới các cơ hội làm việc bình đẳng, cũng như "không thể chấp nhận và không phù hợp" trong môi trường làm việc. Bên cạnh đó, công ước còn định nghĩa bạo lực và quấy rối là những hành vi "nhằm mục đích, dẫn tới hệ quả hoặc có khả năng gây tổn hại về mặt thể chất, tâm lý, tình dục hoặc kinh tế".
ILO bắt tay soạn thảo công ước trên vào năm 2015, 2 năm trước khi các cáo buộc quấy rối và bạo hành tình dục nhằm vào "ông trùm điện ảnh" Hollywood Harvey Weinstein châm ngòi dẫn tới phong trào #MeToo phản đối các hành vi này. Tuy vậy, năm ngoái, Tổng Giám đốc Ryder nhấn mạnh rằng chính phong trào #MeToo đã tạo đà và đóng một vai trò to lớn thúc đẩy tiến trình phê chuẩn công ước trên.