Công ước UNCLOS 1982: Đóng góp của Việt Nam về phân định biển
Trung thành với Công ước UNCLOS 1982, Việt Nam là nước thành công trong khu vực Đông Nam Á, giải quyết các tranh chấp biển với các công cụ đa dạng nhất. Trong quá trình thực thi, Việt Nam đã có những đóng góp sáng tạo, góp phần hoàn thiện các quy định của Công ước về phân định biển.
Việt Nam tham gia Hội nghị Luật biển lần thứ III từ năm 1977. Khi các nước đang tranh luận về phương pháp phân định, Việt Nam ở trong nhóm các nước G77 đã ủng hộ áp dụng nguyên tắc công bằng trong phân định.
Là một quốc gia ven biển, có nhiều đảo và quần đảo ngoài khơi, có lợi thế khi áp dụng nguyên tắc phân định theo đường trung tuyến hay cách đều, song Việt Nam đã ủng hộ nguyên tắc công bằng.
Việt Nam cho rằng nguyên tắc công bằng đòi hỏi tôn trọng các quyền đương nhiên của mỗi quốc gia đối với các vùng biển và thềm lục địa mà họ được hưởng, phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Một nguyên tắc được coi là công bằng nếu nó đem lại một giải pháp công bằng, trên cơ sở thương lượng bình đẳng và thiện chí, nhằm đạt được giải pháp thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các bên liên quan chấp nhận.
Áp dụng sáng tạo
Nắm bắt được xu thế chung của sự phát triển luật biển, ngày 12/5/1977, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố về nguyên tắc xác định phạm vi các vùng biển của Việt Nam trên tinh thần phù hợp với các quy định của Công ước. Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất theo tinh thần Công ước ở khu vực Đông Nam Á.
Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã chính thức và công khai nêu rõ quan điểm giải quyết các tranh chấp trên biển của Việt Nam là “cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”.
Có thể thấy rõ, quan điểm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển là thông qua giải pháp thương lượng trực tiếp và thiện chí, trên cơ sở tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan nhằm đi đến thỏa thuận về một giải pháp công bằng, hợp lý mà các bên đều chấp nhận được.
Nghị quyết Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 ngày 23/6/1994 cũng khẳng định rõ lập trường: “giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa...”.
Việt Nam đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997, phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003, thỏa thuận với Malaysia, Campuchia và Trung Quốc.
Trong phân định Vịnh Bắc Bộ, nguyên tắc công bằng được Việt Nam diễn giải và áp dụng theo ba bước.
Trước hết, hai bên vẽ một đường phân định ban đầu theo trung tuyến/cách đều. Đường này sẽ được điều chỉnh bởi tác động của các hoàn cảnh đặc biệt. Trong trường hợp Vịnh Bắc Bộ, đó là đảo Bạch Long Vỹ thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng nằm ở giữa Vịnh và lệch về phía đường trung tuyến phía Trung Quốc.
Bước hai, Việt Nam nhận thức được đảo này không nên có hiệu lực 100% trong phân định nên đã chủ động đề xuất ban đầu đảo có hiệu lực 50%. Phía Trung Quốc chỉ coi đảo có 0% trong phân định. Sau đó, hai bên đi đến thỏa thuận đảo có vành đai 15 hải lý, tức 25% trong phân định.
Bước ba, Việt Nam đã áp dụng công thức tỷ lệ chiều dài bờ biển và tỷ lệ vùng biển phân định để bảo đảm một kết quả công bằng. 730km/695km và 53.23/46,77% diện tích Vịnh. Việt Nam đã tổng hợp các án lệ và thực tiễn quốc gia để áp dụng sáng tạo nguyên tắc ba bước từ năm 2000 trước khi ICJ trong vụ phân định Đảo Rắn (Ucraina/Rumania) 2009 đưa ra khuyến nghị tương tự.
Thực tiễn của Việt Nam cũng đưa đến sự thống nhất về vai trò của các đảo trong phân định. Trong phân định biển Việt Nam - Thái Lan năm 1997, đảo Thổ Chu cách bờ biển Việt Nam hơn 50 hải lý, tạo ra hoàn cảnh đặc biệt chỉ được hưởng 32.5% hiệu lực trong phân định. Trong phân định thềm lục địa với Indonesia 2003, Côn Đảo cũng chỉ có vai trò nhất định trong phân định. Công hàm ngày 30/3/2020 thể hiện quan điểm các thực thể ở Trường Sa không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng, chỉ có lãnh hải 12 hải lý.
Phân định biển theo nguyên tắc công bằng còn được Việt Nam áp dụng một cách linh hoạt. Trong phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc kiên trì đề nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định Vịnh Bắc Bộ và nhấn mạnh nếu không thỏa thuận được vấn đề này thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ.
Ban đầu, Việt Nam chủ trương tách vấn đề nghề cá ra khỏi vấn đề phân định Vịnh. Nhưng Việt Nam cũng nhận thức được là việc không giải quyết được vấn đề nghề cá có thể gây trở ngại cho việc giải quyết toàn bộ vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ bao gồm cả ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Lúc đó có thể toàn bộ Vịnh sẽ tiếp tục bị coi là vùng chồng lấn giữa hai bên, và tình hình ở đó có thể sẽ tiếp tục mất ổn định.
Việt Nam đã kết hợp điều 74 và điều 62.3 để bàn bạc cùng Trung Quốc tìm giải pháp hợp lý. Theo điều 62.3 khi quản lý tài nguyên sinh vật, quốc gia ven biển cần tính đến “sự cần thiết phải giảm bớt đến mức tối thiểu những rối loạn kinh tế trong các quốc gia nào có những công dân thường đánh bắt hải sản ở trong khu vực hoặc đã đóng góp nhiều vào công tác tìm kiếm và thống kê các đàn (stocks) hải sản”.
Các đàn cá trong Vịnh Bắc Bộ liên quan đến điều 63 và điều 123 về hợp tác quản lý các đàn cá di cư trong vùng đặc quyền kinh tế của các bên. Vì vậy, việc phân định vùng đặc quyền kinh tế có thể được tiến hành theo hai giai đoạn.
Hiệp ước ngày 25/12/2000 quy định một đường ranh giới biển đơn nhất cho cả thềm lục địa và đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi đường ranh giới thềm lục địa là cuối cùng và dứt khoát, ranh giới đặc quyền kinh tế chỉ chính thức được xác lập sau khi vùng đánh cá tạm thời và vùng đánh cá chung hết hiệu lực.
Vùng đánh cá tạm thời là sáng tạo đóng góp vào luật phân định biển, trong đó phân định vùng đặc quyền kinh tế, tùy theo hoàn cảnh có thể theo hai bước. Đầu tiên là thiết lập vùng đánh cá tạm thời có thời hạn bốn năm để giải quyết vấn đề ổn định đời sống của người ngư dân sau khi phân định, không gây những rối loạn kinh tế trong các quốc gia nào có những công dân thường đánh bắt hải sản ở trong khu vực tranh chấp trước khi phân định. UNCLOS không quy định về điều kiện này trong phân định nhưng khi áp dụng nguyên tắc công bằng thì hoàn cảnh này có thể đặc biệt và cần tính tới.
Hai bên thống nhất có một vùng đánh cá chung ở phía Nam vĩ tuyến 20, nơi mỗi bên đóng góp một phần vùng đặc quyền kinh tế. Thỏa thuận này có thời hạn 12 năm và được mặc nhiên gia hạn ba năm. Tới năm 2020, thỏa thuận này kết thúc, các bên quản lý vùng đặc quyền kinh tế đã phân định và bàn thảo về một thỏa thuận hợp tác khác trên cơ sở điều 123 của UNCLOS.
Quan điểm linh hoạt
Việt Nam thể hiện quan điểm linh hoạt trong áp dụng lý thuyết về đường ranh giới biển duy nhất. Trong vụ Vịnh Maine giữa Canada và Mỹ năm 1984, Tòa ICJ đã kiến nghị áp dụng đường ranh giới duy nhất cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở những nơi bờ biển hai bên cách nhau không quá 400 hải lý.
Thỏa thuận 1997 giữa Việt Nam và Thái Lan là thỏa thuận đầu tiên về đường ranh giới biển duy nhất trong khu vực. Các phán quyết sau này của các tòa án và trọng tài quốc tế đều khẳng định xu thế này như vụ Guyana và Suriname, Barbados và Trinidad và Tobago, Nicaragua và Colombia, Qatar và Bahrain, Romania và Ukraine.
Tuy nhiên, Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Indonesia về một thỏa thuận phân định đặc quyền kinh tế riêng. Việc tồn tại hai đường ranh giới cho hai vùng biển có quy chế pháp lý khác nhau cũng là một cách làm phong phú thêm nội hàm của nguyên tắc công bằng trong phân định biển.
Việt Nam tiếp tục duy trì Thỏa thuận thăm dò khai thác chung dầu khí trong vùng biển chồng lấn với Malaysia (ký Thỏa thuận năm 1992); thúc đẩy đàm phán về hợp tác khai thác chung dầu khí ở vùng chồng lấn của ba bên Việt Nam, Thái Lan và Malaysia (bắt đầu đàm phán từ 1998).
Trong tương lai, Việt Nam và Campuchia có thể tiến hành đàm phán phân định biển. Trong khi chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề phân định, vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia năm 1982 vẫn là vùng biển mà tại đó hai nước thỏa thuận quản lý chung.
Tóm lại, quan điểm và lập trường của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp trên biển, trong đó có vấn đề phân định biển được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam và thể hiện một cách nhất quán thông qua các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước liên quan là “thông qua thương lượng” để đi đến các “thỏa thuận” trên cơ sở phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế của Công ước Luật biển năm 1982, áp dụng nguyên tắc công bằng, để đạt được giải pháp phân định công bằng.
Quan điểm này là hoàn toàn đúng đắn, hợp tình hợp lý, phù hợp với xu thế và tập quán chung trong khu vực, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Đặc biệt, thông qua các điều ước về phân định biển ký kết với các nước hữu quan và các thỏa thuận, “khai thác chung” vùng chồng lấn trên biển, Việt Nam đã thể hiện trên thực tế chủ trương đúng đắn là giải quyết mọi tranh chấp quốc tế một cách hòa bình, bằng các biện pháp hòa bình; thể hiện quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng trật tự pháp lý công bằng trên biển, tăng cường sự phát triển và hợp tác trên biển.