Công việc lý tưởng – Vấn đề giờ đây không chỉ là tiền bạc!

Trong bối cảnh hậu đại dịch, dường như một cách hiểu mới về 'công việc lý tưởng' đang dần thành hình. Ở đó, người lao động thận trọng hơn khi đưa ra các lựa chọn. Giữa vô vàn khả năng, họ cân nhắc sự phù hợp giữa đặc điểm công việc với mục tiêu nghề nghiệp và nguyện vọng cá nhân, đồng thời xem xét mối tương quan giữa các yếu tố qua những lăng kính khác nhau, ở những thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Chọn việc làm bây giờ không chỉ ngắm nghía mỗi chuyện thu nhập như mong muốn.

Sinh viên tìm việc tại một hội chợ việc làm tổ chức ở TPHCM. Ảnh: T.L

Sinh viên tìm việc tại một hội chợ việc làm tổ chức ở TPHCM. Ảnh: T.L

Khác với những ưu tiên chọn công việc tự do, không cần gắn bó lâu dài, làm việc vừa sức, dành nhiều thời gian hơn cho việc “phát triển bản thân”… người tìm việc trẻ, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM, nay xuất hiện trong bản báo cáo Tương lai của việc làm (The Future of Work) mới đây của The Sentry và Decision Lab khác hẳn khi họ lại tìm việc làm với tiêu chí ưu tiên số 1 là cơ hội học tập. Gần một nửa số người được hỏi cho hay sẽ ưu tiên chọn nhà tuyển dụng nào dành nhiều cơ hội học tập cho các vị trí công việc mà họ đang tìm kiếm. Cũng theo bản báo cáo này, văn hóa doanh nghiệp và thu nhập và phúc lợi chiếm vị trí ưu tiên thứ hai và ba – với 46% số ý kiến.

Báo cáo của The Sentry và Decision Lab cung cấp nhiều dữ liệu đáng chú ý về các xu hướng đang định hình môi trường làm việc ở hiện tại và tương lai tại Việt Nam. Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm tác giả đã khảo sát hơn 500 người lao động ở Hà Nội và TPHCM trong các lĩnh vực khác nhau, như công nghệ, giáo dục, sản xuất và xây dựng.

Gen Z, Gen Y tại công sở

Theo The Sentry và Decision Lab, có những quan điểm khác biệt về việc làm ở người lao động thuộc các nhóm tuổi khác nhau. Khi làm việc, đa số thành viên thuộc thế hệ Gen Z dành ưu tiên cao nhất cho cơ hội học tập để nâng cao kỹ năng. Trong khi đó, nhiều ý kiến thuộc thế hệ Gen Y, cho rằng vấn đề tài chính và phúc lợi mới là yếu tố quyết định trong việc đảm bảo một công việc ưng ý.

Theo các nhà phân tích, đặc điểm nói trên bắt nguồn từ sự khác biệt trong nhận thức và mục tiêu giữa hai thế hệ. Ở độ tuổi từ 14-26, Gen Z đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp và mong muốn học hỏi để tiến thân. Trong khi đó, công việc và cuộc sống cơ bản đã ổn định với Gen Y, những người từ 27-42 tuổi. Nhìn chung, người lao động Gen Y đối mặt với nhiều áp lực tài chính hơn thế hệ kế cận.

Nguồn: The Sentry và Decision Lab

Nguồn: The Sentry và Decision Lab

Tại Thái Lan, một nghiên cứu công bố năm 2018 cho thấy có 97% số Gen Z được hỏi tìm kiếm một công việc ứng dụng công nghệ cao, đồng thời 95% ý kiến cho biết sẽ cân nhắc các lựa chọn việc làm dựa trên trình độ công nghệ của nhà tuyển dụng(1). Khác với báo cáo của The Sentry và Decision Lab, thu nhập dường như là ưu tiên hàng đầu của đa phần người trẻ tại Thái Lan. Dữ liệu cho thấy chỉ 32% người được hỏi sẵn sàng làm một công việc vì ý nghĩa của chính công việc đó thay vì mức đãi ngộ có thể nhận được. Trên phạm vi toàn cầu, con số này là 45%.

Tại Hàn Quốc, Gen Z và Gen Y hiện là hạt nhân thúc đẩy một phong trào kêu gọi người lao động ngừng làm việc quá sức để bảo vệ sức khỏe bản thân, nhất là khi khảo sát cho thấy hơn 50% số người được hỏi không được trả tiền làm thêm giờ(2). Tại nước này, tờ The Guardian dẫn một nghiên cứu khác chỉ ra khoảng 55% số nhân viên từ thế hệ Gen Y trở về sau không muốn theo đuổi các vị trí quản lý tại công ty, và 47% cho biết đang chuẩn bị chuyển nơi làm việc.

Tương tự, nhiều Gen Z tại Singapore cũng chỉ muốn là một phần của tập thể, thay vì trở thành người dẫn đầu đội ngũ(3). Theo Channel News Asia, một số Gen Z ở nước này cho rằng từ “sếp” (boss) khiến họ “liên tưởng đến những người chỉ nói mà không làm và chuyên sai bảo người khác”.

Kỳ vọng của nhân viên về công việc

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều ứng viên khi tìm việc quan tâm đến triển vọng phát triển nghề nghiệp, đặc điểm đội ngũ lãnh đạo, khả năng làm việc với đồng nghiệp, tính linh hoạt của môi trường công sở và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Trong bối cảnh hậu đại dịch, dường như một cách hiểu mới về “công việc lý tưởng” đang dần thành hình. Ở đó, người lao động thận trọng hơn khi đưa ra các lựa chọn. Giữa vô vàn khả năng, họ cân nhắc sự phù hợp giữa đặc điểm công việc với mục tiêu nghề nghiệp và nguyện vọng cá nhân, đồng thời xem xét tương quan giữa các yếu tố qua những lăng kính khác nhau, ở những thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Như nhóm tác giả tại The Sentry và Decision Lab đã khẳng định, giờ đây “vấn đề không chỉ là tiền bạc”.

Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab, nói: “Người lao động thích mô hình làm việc kết hợp (hybrid working), vì cách làm này mang lại lợi ích chung: Sự linh hoạt khi làm việc tại nhà và khả năng làm việc cùng nhau tại nơi công sở”.

Tuy nhiên, theo ông Thomasen, chỉ với 9% số người lao động muốn làm việc từ xa hoàn toàn, hầu hết nhân viên vẫn đánh giá cao cách làm việc tại văn phòng với những giá trị của nó, cả về mặt tương tác xã hội lẫn những yếu tố nghề nghiệp. Theo báo cáo, có 15% số người được hỏi chỉ thích làm ở công sở, trong khi 14% cho biết có thể duy trì năng suất công việc bất kể ở môi trường nào.

Báo cáo này cũng cho thấy 77% số câu trả lời nhấn mạnh ưu điểm lớn nhất của làm việc tại nhà là tiết kiệm thời gian đi lại. Đa số ý kiến cho rằng ở nhà làm việc giúp người lao động linh hoạt hơn, giảm căng thẳng, đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống.

Ngược lại, 75% người được hỏi nói yêu cầu cao về kỷ luật và sự tự giác là trở ngại lớn nhất của mô hình này. Ngoài ra, những người khác e ngại làm việc tại nhà có thể khiến việc xây dựng các mối quan hệ gặp khó khăn, bất tiện khi muốn trao đổi công việc với đồng nghiệp, chưa kể người lao động phải cố gắng hơn để tập trung khi ở nhà – môi trường vốn có nhiều yếu tố gây xao nhãng.

Đề cập đến nơi làm việc lý tưởng, báo cáo cho biết 60% số người được hỏi chú trọng sự thoải mái; 51% ưu tiên tính chuyên nghiệp; 48% thích không khí làm việc vui vẻ và 45% bày tỏ mong muốn có không gian hiện đại và sáng tạo. Bên cạnh đó, các yếu tố làm nên sự khác biệt còn bao gồm cơ sở vật chất nơi làm việc, mức độ an ninh, vị trí thuận tiện đi lại và các khu vực đa chức năng phục vụ nhu cầu của nhân viên.

Diện mạo mới của văn phòng hiện đại

Theo nghiên cứu, người lao động tại Việt Nam ngày càng chú trọng đến những ý tưởng sáng tạo góp phần thay đổi nơi làm việc hiện đại.

Thống kê cho thấy xây dựng môi trường làm việc thân thiện với môi trường, ưu tiên không gian đảm bảo sức khỏe cho người lao động, và cắt giảm ngày làm việc trong tuần là những ý kiến nhận được sự nhất trí của ít nhất hai phần ba số người tham gia khảo sát. Trong đó, có đến ba phần tư số câu trả lời ủng hộ xu hướng về công sở xanh.

Đồng thời, báo cáo này cũng phản ánh góc nhìn của người lao động trước những xu thế của thị trường việc làm trong tương lai. Khoảng 74% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào những triển vọng do robot mang lại. Đối với công nghệ thực tế tăng cường/thực tế ảo (AR/VR) và trí tuệ nhân tạo (AI), con số đó lần lượt ở mức 72% và 61%.

Theo các chuyên gia tại The Sentry và Decision Lab, nhiều người lao động xem tiến bộ công nghệ là cơ hội để nâng cao năng suất làm việc, mức độ hiệu quả và khả năng đổi mới sáng tạo trong công việc.

Dù vậy, có không ít những ý kiến hoài nghi về tác động tiềm ẩn của công nghệ trên các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu xoay quanh viễn cảnh con người bị máy móc thay thế hay dần trở nên lỗi thời trước bước đi của thời đại. Thống kê cho thấy có 21% người lao động đánh giá AI là mối đe dọa tiềm tàng. Con số này vượt qua những ý kiến cho rằng robot đi kèm với rủi ro (13%), và cũng cao hơn các quan điểm xem AR/VR là một thách thức thực sự (11%).

Đỗ Ân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cong-viec-ly-tuong-van-de-gio-day-khong-chi-la-tien-bac/