Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách tăng lương cho người lao động

Mức lương cơ sở đã điều chỉnh lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7. Để đảm bảo quyền lợi người lao động, công đoàn các cấp sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện.

Người lao động nửa mừng nửa lo

Sau rất nhiều lần tăng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng tới 30%. Đây là chính sách quan trọng, nâng cao đời sống của hàng triệu cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công và 50 triệu người đang hưởng các chính sách gắn với mức lương cơ sở.

Với khoản thu nhập được tăng thêm này tạo nên đột phá mới trong tăng lương cho đoàn viên, người lao động, để lương thực sự là nguồn thu nhập chính, đủ nuôi sống người lao động và các thành viên gia đình.

Người lao động đang chờ doanh nghiệp tăng lương để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh minh họa

Người lao động đang chờ doanh nghiệp tăng lương để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh minh họa

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động rất vui mừng, phấn khởi trước việc lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Nhờ có chính sách tăng lương sẽ tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, góp phần cải thiện hiệu quả công tác, chất lượng dịch vụ công. Chính sách này giúp người lao động cảm thấy được động viên, khích lệ, từ đó có tinh thần làm việc tích cực và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ sở sẽ góp phần thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, giúp giảm bớt khoảng cách thu nhập giữa các nhóm lao động và đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Chính sách này cũng giúp bảo đảm tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp, chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.

Điều quan trọng, việc tăng lương cơ sở giúp ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp tăng cường niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, nhiều người lao động cũng bày tỏ lo ngại tiếp diễn tình trạng hễ cứ tăng lương là giá cả lại tăng theo, khiến việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản chứ không phải nâng cao mức sống của người lao động.

Tăng cường giám sát thực hiện quyền lợi cho người lao động

Bài toán đặt ra trong thời điểm hiện nay với cơ quan chức năng là phải có những cải cách, chỉ đạo điều hành kinh tế như thế nào để kiểm soát được giá cả. Với vai trò của mình, các cấp công đoàn đang tập trung tuyên truyền để người lao động trước mắt nắm rõ được quy định về mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, việc tăng lương tối thiểu vùng có ý nghĩa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của hơn 246 nghìn đoàn viên, công nhân đang làm việc tại 690 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh, công đoàn chủ động phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp không cắt giảm các khoản phụ cấp, bảo đảm mục tiêu cuối cùng là tăng tổng thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ người lao động, công đoàn cơ sở trong xây dựng hợp đồng lao động, nhất là thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, làm căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên.

Tại Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cũng vừa có công văn gửi công đoàn cơ sở trực thuộc về việc triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Công đoàn các khu công nghiệp chỉ đạo công đoàn cơ sở tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong hoạt động ký kết hợp đồng lao động, đối thoại, thương lượng tập thể, đặc biệt là thương lượng tập thể để xác lập các thỏa thuận về tiền lương và điều kiện lao động khác bảo đảm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Là công đoàn ngành với gần 150.000 công nhân lao động đang công tác tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, đại diện Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, do việc thực hiện quy định về tăng lương mới thực thi, một số đơn vị người lao động vẫn chưa nhận được mức lương mới, nên trước mắt công đoàn tuyên truyền quy định, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; trên cơ sở đó tiếp tục có sự giám sát việc thực hiện của các công đoàn cơ sở trong việc thực hiện quyền lợi người lao động đúng hay không?

Đại diện một số công đoàn cơ sở cho biết, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 là bước tiến quan trọng và cần thiết, mang lại nhiều hy vọng cho cán bộ công chức, viên chức. Với vai trò của mình, công đoàn sẽ là cầu nối giúp mọi người trước hết hiểu rõ hơn về chính sách, cũng như đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn, tận dụng tối đa cơ hội từ chính sách tăng lương lần này để nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng môi trường làm việc tốt hơn.

Đại diện công đoàn cũng như người lao động kỳ vọng, thời gian tới, khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép, sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-tang-luong-cho-nguoi-lao-dong-330079.html