Công việc rùng rợn của TikToker 21 tuổi
Những mảnh xương người có giá hàng chục tới hàng nghìn đô la Mỹ và hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nó vi phạm các chuẩn mực đạo đức.
Những chiếc hộp sọ xếp thẳng hàng trên kệ. Những chiếc xương sống lưng treo đầy trên bức tường trong phòng trưng bày. Hơn 100 bộ xương sống của những người không ai biết là ai được tập hợp lại trong gian phòng.
Jon Pichaya Ferry, 21 tuổi, được biết đến trên TikTok với cái tên JonsBones, là một người bán xương người. Tài khoản của Ferry có gần 500.000 người theo dõi và 22 triệu lượt thích. Ở đó, cậu đăng tải những video mà cậu vui vẻ trả lời những thắc mắc của người xem về thứ mặt hàng kỳ dị và rùng rợn này. Thậm chí, Ferry còn có cả hộp sọ thai nhi và trẻ mới biết đi.
TikTok đã mang lại cho Ferry một đối tượng khách hàng mới - những người trẻ tuổi, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của anh đang bị phản đối dữ dội vì những lý do đạo đức. Cụ thể, nhiều người dùng TikTok đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp và đạo đức của hoạt động buôn bán xương người chết mà Ferry cho rằng anh tham gia vì mục đích giáo dục.
Ngược lại, các chuyên gia cho rằng những người mua xương người thường không sử dụng chúng như một công cụ giáo dục. Thay vào đó, xương người đôi khi được biến thành đồ trang sức, đèn chùm hoặc để trưng bày.
Hoạt động buôn bán xương người thu hút các nhà nhân chủng học, các nhà sưu tập, nghệ sĩ và những người tò mò về hệ thống xương. Ngành công nghiệp rùng rợn này đã tồn tại hàng thế kỷ và từ lâu đã làm dấy lên một loạt những câu hỏi ghê sợ: Một cái chết vô danh có thể trở thành cái gì? Hay cụ thể hơn: Làm thế nào mà cái chết của một con người lại trở thành một phần của bộ sưu tập?
Lát cắt hiện đại của ngành công nghiệp lâu đời
Trang web của JonsBones cho biết anh chỉ bán xương y tế hoặc xương được chuẩn bị đặc biệt để đào tạo sinh viên y khoa. Ferry cho rằng anh chỉ đang tái sử dụng những bộ xương bị bám bụi trong tầng hầm của ai đó và cung cấp các dịch vụ có giá trị cho những người có thể chưa bao giờ được tiếp xúc với xương người thật.
Tuy nhiên, nguồn gốc của các mẫu vật y tế này rất mờ mịt. Nhiều bộ xương được cho là bị đánh cắp từ các ngôi mộ hoặc bị ép buộc để đưa vào lĩnh vực giáo dục. Đây không phải là những người đã hiến tặng cơ thể cho khoa học.
Trong khi đó, Ferry tin rằng bán xương là con đường đáng trân trọng. Nếu như nhiều người thấy giao dịch này thật khó hiểu thì Ferry nói anh không nghĩ về nó theo cách đó. Anh nói, anh ngưỡng mộ và tôn trọng cấu trúc của bộ xương.
Năm 13 tuổi, anh được bố tặng cho một bộ xương chuột có khớp nối. Món quà đặc biệt đã khiến anh hứng thú với ngành xương khớp. Khi tìm hiểu sâu hơn về về việc buôn bán xương y tế, anh đã xác định được một điều mà anh coi là vấn đề cơ bản: Ai cũng có xương mà không biết phải làm gì. Chỉ đến cách đây vài thập kỷ, các sinh viên y tế mới giữ lại một nửa hoặc toàn bộ bộ xương trong tủ để học tập.
Ferry cho biết, nhiều gia đình không còn muốn giữ những bộ xương người thân đã chết nữa và anh xem việc tìm cho nó ngôi nhà thích hợp là công việc của mình.
Ban đầu, cửa hàng của anh có quy mô nhỏ. Sau đó, anh chuyển tới New York vào năm 2018. Suốt nhiều tháng, anh đứng phát danh thiếp của mình cho những người đi bộ ở Quảng trường Thời Đại vào thứ Sáu hàng tuần. Thỉnh thoảng, anh bán được vài mảnh xương. Còn hiện tại, anh bán được từ 20 tới 80 mảnh xương mỗi tháng.
Ferry cũng là sinh viên của Trường Thiết kế Parsons (New York), nơi anh kết hợp kiến thức của mình về hệ thống xương vào các nghiên cứu để thiết kế sản phẩm. Bạn cùng lớp thường gọi Ferry là “gã bán xương”.
Bất chấp sự phản đối từ các chuyên gia và các nhà hoạt động, Ferry cho rằng việc xác định nguồn gốc của tất cả bộ xương là không thực tế. Hỏa táng thì tốn kém chi phí, trong khi các bộ xương giả vẫn không thể so sánh được với đồ thật. Vì thế, lựa chọn khả thi duy nhất là bán lại.
“Phê bình lịch sử thì rất dễ, nhưng tìm ra giải pháp cho nó lại là một thách thức”- cậu nói.
Các viện bảo tàng gần đây cũng bắt đầu phải đối mặt với câu hỏi hóc búa này. Họ từng phải xin lỗi công khai nhiều lần về việc thu thập hài cốt của những người được cho là đã bị bắt làm nô lệ.
Các chuyên gia cho biết, quy mô của các hoạt động mua bán xương người gần như không thể xác định được, nhưng nó đã kéo dài hàng thế kỷ và được xây dựng phần lớn thông qua việc đánh cắp hài cốt của thổ dân châu Mỹ, những người từng bị bắt làm nô lệ và các nhóm bị áp bức từ các quốc gia khác.
Các bộ xương thường có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ, sau này được cho là đã xuất khẩu 60.000 bộ xương và hộp sọ sang Mỹ trong vòng 1 năm. Các chuyên gia cho biết hầu hết hài cốt bị đánh cắp từ các ngôi mộ , rồi sau đó được vận chuyển ra nước ngoài.
Luật pháp Mỹ yêu cầu hài cốt của thổ dân châu Mỹ phải được trả lại cho các bộ lạc hoặc con cháu họ nếu họ yêu cầu. Một số ít bang có luật hạn chế mua bán và sở hữu hài cốt, còn lại hầu hết đều cho phép.
Về giá cả, một chiếc xương sườn riêng lẻ có giá 18 USD, trong khi một chiếc hộp sọ có giá lên tới gần 6.000 USD. Ferry cho biết anh luôn cố gắng “làm gương” và khuyên khách hàng đối xử với bộ xương “với sự tôn trọng tối đa”. Tuy nhiên, anh không có quyền kiểm soát những gì mọi người làm khi nó ra khỏi căn phòng của anh.
Đăng Dương(Theo The Washington Post)