COP15 - cơ hội để bảo vệ Trái Đất trước khủng hoảng đa dạng sinh học

Các nhà quan sát hy vọng rằng COP15 tại Montreal sẽ đem lại một thỏa thuận lịch sử để bảo vệ tự nhiên và đảo ngược những tổn hại mà con người gây ra cho các khu rừng, đầm lầy, sông nước.

Chim cánh cụt Cape tại vườn thú Pairi Daiza. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Chim cánh cụt Cape tại vườn thú Pairi Daiza. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Tuần tới, phái đoàn của gần 200 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) tại Montreal (Canada) nhằm thảo luận về một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mới để bảo vệ các hệ sinh thái và các sinh vật khỏi những hành vi tàn phá của con người.

Sau khi Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập không đạt được đột phá nào trong việc giảm quy mô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải khiến toàn cầu ấm lên, các nhà quan sát hy vọng rằng COP15 tại Montreal sẽ đem lại một thỏa thuận lịch sử để bảo vệ tự nhiên và đảo ngược những tổn hại mà con người gây ra cho các khu rừng, đầm lầy, sông nước, hàng triệu sinh vật đang sống tại những khu vực này.

Khoảng 50% nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào tự nhiên, song các nhà khoa học cảnh báo rằng con người cần khẩn trương xem xét lại mối quan hệ với thế giới tự nhiên khi mối lo ngại về kỷ nguyên đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang lớn dần.

Trả lời phỏng vấn trước thềm hội nghị COP15, Thư ký điều hành Công ước về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (CBD) Elizabeth Maruma Mrema cảnh báo Trái Đất đang rơi vào khủng hoảng và thỏa thuận toàn cầu về đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tương lai của nhân loại trên hành tinh xanh.

Thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu trên, còn được gọi là khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020, đã bị trì hoãn trong 2 năm do đại dịch COVID-19.

Thỏa thuận sẽ vạch ra kế hoạch chính thức cho hầu hết các nước về bảo tồn tự nhiên cho đến giữa thế kỷ này.

Mỹ đã không ký kết tham gia thỏa thuận. Kế hoạch này sẽ bao gồm các mục tiêu then chốt cần đáp ứng vào năm 2030.

Trong bối cảnh các quy định mới ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, và bao trùm nhiều vấn đề từ sở hữu trí tuệ, đến ô nhiễm và thuốc trừ sâu, các phái đoàn đang gặp khó khăn trong việc thống nhất các điểm chính.

Cho đến nay, các bên mới chỉ nhất trí có 2 trong 22 mục tiêu trong khuôn khổ thỏa thuận mới.

Do dịch bệnh nên Trung Quốc, Chủ tịch COP15, không thể đăng cai hội nghị. Thay vào đó, sự kiện này sẽ được tổ chức từ ngày 7-19/12 tại Montreal.

Các bên hiện đang bất đồng về vấn đề tài chính, trong đó có nước giàu chịu áp lực hỗ trợ thêm cho những nước đang phát triển trong công tác bảo tồn tự nhiên.

Năm nay, một nhóm các nước đang phát triển gồm Brazil, Nam Phi và Indonesia đã kêu gọi những nước giàu hỗ trợ từ 100 tỷ USD/năm đến 700 tỷ USD/năm vào năm 2030 để thúc đẩy đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn còn do dự trong việc thiết lập quỹ riêng cho bảo tồn thiên nhiên.

Phần lớn ngân sách cho đa dạng sinh học của các nước đang phát triển đến từ các cơ chế tài chính hiện nay, thường bao gồm cả ngân sách cho vấn đề khí hậu.

Một vấn đề nữa đang gây tranh cãi là việc nhiều nước, trong đó chủ yếu là ở khu vực châu Phi cho rằng các nước giàu đang khai thác tài nguyên của họ để sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm mà không chia sẻ lại lợi ích với cộng đồng sở tại.

Đáng chú ý, có một mục tiêu quan trọng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi là cam kết bảo vệ 30% đất và biển vào năm 2030. Trong năm 2020, chỉ có 17% đất và khoảng 7% đại dương được bảo vệ.

Theo Liên minh Tham vọng cao, cho đến nay, hơn 100 quốc gia đã chính thức ủng hộ mục tiêu này.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc về tác động của biến đổi khí hậu trong năm nay, mục tiêu mới phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của cư dân bản địa, những người trực tiếp quản lý các vùng đất hiện đang là nơi sinh sống của 80% sinh vật còn lại trên Trái Đất.

Một số mục tiêu khác trong thỏa thuận bao gồm việc loại bỏ hoặc chuyển hướng sử dụng hàng trăm triệu USD trong các khoản trợ cấp của chính phủ, thúc đẩy trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt bền vững, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giải quyết vấn đề các loài xâm lấn và tái trồng rừng.

Tuy nhiên, việc thực thi mới thực sự là vấn đề tối quan trọng để đảm bảo chính phủ hiện thực hóa các cam kết.

Do đó, cần có cơ chế giám sát, hoạch định, báo cáo và đánh giá, cùng với những tiêu chí cụ thể để đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cop15-co-hoi-de-bao-ve-trai-dat-truoc-khung-hoang-da-dang-sinh-hoc/833432.vnp