COP16 nhất trí thành lập Cơ quan tham vấn thường trực cho người dân bản địa về bảo tồn thiên nhiên
Các nước tham dự Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) hôm qua đã nhất trí thông qua nghị quyết thành lập một Cơ quan tham vấn thường trực cho người dân bản địa để tham vấn về các quyết định của Liên hợp quốc về bảo tồn thiên nhiên.
Theo những người ủng hộ môi trường và người bản địa, cơ quan tham vấn này được coi là bước đột phá trong việc công nhận vai trò của người bản địa trong việc bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu, bao gồm một số khu vực có đa dạng sinh học nhất hành tinh.
Gần 200 quốc gia đã họp tại thành phố Cali của Colombia với mục tiêu thực hiện Thỏa thuận khung về đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal năm 2022, nhằm mục đích ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng của thiên nhiên vào năm 2030.
Cơ quan tham vấn này, cũng sẽ mở rộng đến các cộng đồng địa phương, giúp đưa kiến thức và tập quán truyền thống vào các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.
Các quốc gia cũng đã thông qua một biện pháp công nhận vai trò của người gốc Phi trong việc chăm sóc và bảo tồn thiên nhiên.
Colombia, nước chủ nhà của COP16, cho biết biện pháp này sẽ giúp các cộng đồng dễ dàng tiếp cận các nguồn lực hơn để tài trợ cho các dự án đa dạng sinh học của họ và tham gia vào các cuộc thảo luận về môi trường toàn cầu.