COP25: Kỳ vọng cao nhưng khả năng ít đột phá
Hơn 25.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có nguyên thủ một số nước, sẽ tụ họp tại Madrid, Tây Ban Nha để tham dự hội nghị. Ban đầu, COP25 dự kiến được tổ chức tại Brazil, nhưng sau đó chuyển sang Chile sau khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhậm chức.
Tuy vậy, sau thời gian dài bất ổn dân sự ở Chile, chính phủ ông Sebastian Pinera đầu tháng 11 tuyên bố nhượng lại việc tổ chức COP25 cho Tây Ban Nha, chỉ vỏn vẹn một tháng trước khi sự kiện chính thức bắt đầu, trong khi Chile vẫn là tổng thể phụ trách COP25 năm nay. Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái của Tây Ban Nha, Teresa Ribera cho biết, tổng chi phí của COP25 sẽ vào khoảng 55 triệu USD, ít hơn 11 triệu USD so với dự đoán.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết nước này đã huy động hơn 5.000 nhân viên bảo vệ pháp luật để đảm bảo an ninh, cùng với các biện pháp kiểm tra an ninh biên giới. Trước đó, Bộ Nội vụ nước này cũng đã công bố các biện pháp tăng cường chống khủng bố, duy trì mức cảnh báo đe dọa khủng bố ở cấp thứ 4 từ năm 2015.
Các biện pháp an ninh tăng cường yêu cầu tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên xe cộ và người tại địa điểm diễn ra hội nghị và các sự kiện liên quan, cũng như tại những nơi đông người. Thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa đánh giá cao sự phối hợp của các nước trong việc chuẩn bị cho sự kiện chỉ trong một thời gian ngắn.
“Đây là một hình mẫu đặc biệt về sự hợp tác của các nước theo tinh thần hợp tác quốc tế đa phương. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước trong chương trình nghị sự quan trọng về biến đổi khí hậu”, bà Espinosa cho biết.
COP25 diễn ra sau khi Liên minh châu Âu cùng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu, cùng lặp lại một cảnh báo khủng hoảng chung và không kém phần nghiệt ngã được đưa ra đầu tháng 11 bởi hơn 11.000 nhà khoa học từ 150 quốc gia. Năm 2019 là năm của hàng loạt những ưu tiên và khẩn cấp liên quan đến khí hậu trên khắp thế giới.
Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vào tháng 10 năm ngoái đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, xuất hiện dày đặc trên trang nhất báo chí toàn cầu và đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu mới nhất. Từ những vụ hỏa hoạn chưa từng có ở Brazil và Australia, băng tan ở hai Cực, đến những cơn lốc kinh hoàng đã tàn phá Mozambique và Bahamas, hay trận lụt ở Venice, những tác động đang gia tăng từng ngày.
Một loạt các báo cáo của các cơ quan khí tượng gần đây cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là một vấn đề dài hạn mà là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó nếu tiếp tục chậm trễ, con người sẽ không còn điểm quay đầu. Hai tuần trước, một báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới chỉ ra rằng nồng độ khí nhà kính đã tăng trở lại trong năm 2018, với mức độ CO2 đạt mức 407,8 phần triệu, một kỷ lục mới trong lịch sử.
Các chuyên gia nhận định, việc nồng độ CO2 trong khí quyển tăng vượt mức kỷ lục cho thấy các biện pháp mà các chính phủ trên toàn cầu đang áp dụng chưa thực sự phát huy tác dụng. Bộ trưởng Môi trường Chile Carolina Schmidt bày tỏ hi vọng vào các bước đi tích cực để đối phó với tình trạng ấm nóng toàn cầu tại hội nghị.
“Hội nghị COP 25 khai mạc cho thấy sự khẩn cấp và tham vọng để thực sự đạt được các mục tiêu chấm dứt tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau, trước sự khẩn cấp để tạo ra sự thay đổi, đặt người dân làm trung tâm và theo một cách công bằng, đó là cách duy nhất các nước nên hợp tác”, bà Schmidt nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới quan sát đưa ra nhiều lý do để không đặt quá nhiều kỳ vọng vào các đột phá có thể đạt được trong hội nghị lần này. Tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 71 nước, cam kết đưa mức phát thải về bằng 0 vào năm 2050, hầu hết trong đó là các nước có lượng khí thải thấp.
Các nước lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ khó có khả năng đưa ra các mục tiêu lớn hơn tại hội nghị, với khẳng định rằng họ đang làm nhiều hơn những gì được yêu cầu. Ngoài ra vẫn có sự tranh cãi giữa các nước giàu và phát triển trong các khoản đóng góp và hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres kêu gọi các nước cần phải có ý nguyện chính trị hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu: “Những gì chúng ta đang thiếu đó là ý nguyện chính trị, ý nguyện chính trị để đưa ra giá carbon, ý nguyện để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ý nguyện chính trị trong việc mạnh tay đánh thuế gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường thay vì người dân. Chúng ta cần phải chung tay hợp tác để tạo ra sự thay đổi”.
Hàng loạt cuộc biểu tình đã bùng nổ hôm 29-11 ở nhiều thành phố tại 153 nước trên thế giới, theo tổ chức Fridays For Future. Các cuộc biểu tình nổ ra đầu tiên ở Australia, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của các trận cháy rừng, với sự tham gia của các nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi phản đối quan điểm ủng hộ sử dụng than của chính phủ. Sinh viên ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới hiện nay, đã biểu tình bên ngoài các nhà máy năng lượng.
Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, nhiều nhà hoạt động môi trường đeo mặt nạ và mang theo những khẩu hiệu kêu gọi cứu lấy hành tinh xanh. Và còn hàng chục nghìn người tại những nơi khác xuống đường tuần hành trên khắp thế giới với hy vọng có thể thúc ép các nhà lãnh đạo thế giới tham dự COP25 cần phải có hành động cụ thể và cấp bách để cứu trái đất trước khi quá muộn.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cop25-ky-vong-cao-nhung-kha-nang-it-dot-pha-572420/