COP26: Rơm rạ: Từ phế phẩm thành sản phẩm

Là cường quốc về lúa gạo khi đứng thứ 6 thế giới về sản xuất và thứ 3 về xuất khẩu lúa gạo, mỗi năm Việt Nam cũng tạo ra khoảng 45 triệu tấn rơm rạ. Tuy nhiên, chủ yếu số rơm rạ này được đem đốt bỏ, việc đốt rơm rạ thải ra hàng chục triệu tấn CO2, hàng chục nghìn tấn NOX độc hại mỗi năm. Vậy làm thế nào để không để lãng phí nguồn tài nguyên rơm rạ, giảm những tác động của chúng đến môi trường?

Sau khi thu hoạch lúa, do phần lớn hộ dân không có nhu cầu sử dụng rơm rạ trong đun nấu như ngày xưa. Rơm rạ để lại trên đồng ruộng khó phân hủy ngay. Để thuận lợi cho việc làm đất chuẩn bị cho mùa vụ mới, nên hầu hết nông dân đã lựa chọn cách đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng. Tình trạng đốt rơm rạ tự phát như một thói quen của người nông dân đã vô tình góp phần làm cho ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn.

Theo các chuyên gia, đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2, CH4, CO, SO2 và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Một nghiên cứu gần đây đã công bố, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, hoạt động đốt rơm rạ tại các vùng ngoại thành Hà Nội đã làm phát sinh hơn 179 tấn bụi PM10, hơn 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo tính toán, một sào ruộng người dân chỉ thu được khoảng 400.000 đồng, sau thời gian dài chăm sóc, nên nếu phải bỏ thêm chi phí để thuê người thu gom rơm rạ, phải mất thêm công sức... rất khó để người nông dân từ bỏ việc đốt bỏ rơm rạ như hiện nay.

Rơm rạ - phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp đang trở thành gánh nặng cho môi trường, khi mà tình trạng đốt rơm ra của người dân vẫn gia tăng mỗi mùa thu hoạch. Trong khi đây là nguồn nguyên liệu rất có giá trị, có thể mang lại lợi nhuận cao nếu biết tận dụng đúng cách, biến phế phẩm thành sản phẩm, đặc biệt là phục vụ cho chính ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, vừa giảm ô nhiễm, lại tạo sinh kế cho người dân.

Vậy làm thế nào để không để lãng phí nguồn tài nguyên rơm rạ, giảm những tác động của chúng đến môi trường? Đây chính là nội dung chính của chương trình Cop26 ngày hôm nay.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cop26-rom-ra-tu-phe-pham-thanh-san-pham