COP26 |Số 18|: Xây dựng làng, xã carbon thấp – hành động từ người dân

Việc sử dụng than tổ ong để đun nấu, đốt rác thải, đốt rơm rạ ngoài các cánh đồng hay việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt….những thói quen trong hoạt động sinh sống và sản xuất hàng ngày của người dân lại là nguồn gây phát thải khí nhà kính lớn.

Cùng với những tác động khách quan của các hoạt động công nghiệp, khu vực nông thôn nay đang phải gánh chịu những sức ép nặng nề về môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Việc xây dựng làng xã các bon thấp, tạo ra nguồn năng lượng sạch và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn …chính là hướng đi trong tương lai. Nhưng để làm được điều này, trước tiên cần những hành động từ chính người dân.

KINH HOÀNG VỚI CON SỐ PHÁT THẢI CO2 TỪ ĐỐT RƠM RẠ

Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi vụ mùa vào khoảng tháng 6, nhiều cánh đồng ven ngoại thành Hà Nội lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ của người dân. Nắng nóng, kết hợp cùng khói bụi...gây cảm giác ngột thở.

Ông NGUYỄN ĐỨC NHUẬN, Người dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội: “Sau khi thu hoạch lúa xong, dân đốt rơm rạ nhiều thì đến dân trong làng cũng ngửi thấy mùi khói. Thấy khó thở, nhất là người già.”

Hiện nay do phần lớn hộ dân không có nhu cầu sử dụng rơm rạ trong đun nấu hằng ngày, rơm rạ để lại trên đồng ruộng khó phân hủy ngay. Để thuận lợi cho việc làm đất chuẩn bị cho mùa vụ mới, nên hầu hết nông dân đã lựa chọn cách đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng. Tình trạng đốt rơm rạ tự phát như một thói quen của người nông dân đã vô tình góp phần làm cho ô nhiễm môi trường nông thôn trở nên trầm trọng hơn.

Ông VŨ CÔNG THÀNH, Chủ tịch UBND xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình: “Ở đây có tình trạng người dân đốt rác, rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường không khí, đặc biệt sau các vụ mùa.”

GS.TS PHẠM VĂN TY, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Việc đốt rơm rạ không được phép nữa, như ở Hà Nội thì cấm đốt rơm rạ vì nó ảnh hưởng đến môi trường, đến giao thông.”

Theo dữ liệu của Mạng lưới không khí sạch PAM Air, chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày (AQI) tại một số xã ngoại thành Hà Nội đã chuyển sang màu tím, tức là không khí ở mức ô nhiễm nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2, CH4, CO, SO2 và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển.

PGS.TS NGUYỄN HUY NGA, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế:Đốt rơm rạ cũng ảnh hưởng đến phát thải khí nhà kính, nó đóng góp một phần. Đặc biệt đốt rơm rạ gây ra bụi mịn.”

Theo số liệu nghiên cứu đã được công bố, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, hoạt động đốt rơm rạ tại các vùng ngoại thành Hà Nội đã làm phát sinh hơn 179 tấn bụi PM10, hơn 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường và hoạt động đốt rơm rạ tại các vùng nông thôn vẫn tái diễn mỗi năm.

LẠM DỤNG THUỐC TRỪ SÂU GÂY HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH

Ngoài việc đốt rơm rạ, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, để tránh thiệt hại do sâu bệnh tấn công, việc sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng tăng ở nhiều nơi. Mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,4% trong việc sử dụng hóa chất nông nghiệp trên toàn thế giới. Việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật gây ra ô nhiễm không khí, nước, đất khu vực trồng trọt và lân cận, là tác nhân góp phần làm gia tăng phát thải KNK.

Chỉ nhìn bằng mắt thường chắc hẳn ít ai có thể hình dung được, bầu không khí làng xã tưởng như trong lành này lại đang bị ô nhiễm bởi lượng thuốc trừ sâu phun ra mỗi ngày, từ những vườn cây cảnh lưu niên của các hộ dân nơi đây.

Ông TRỊNH NGỌC KHƠI, Hội Cựu Chiến binh xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình:Hiện tượng phun thuốc thì đối với nhân dân rất nhiều, và việc vứt các lọ thuốc đã sử dụng ra tất cả các nơi, là ý thức vẫn chưa được cao, và vẫn không đúng quy định của địa phương.”

Để chăm sóc cho vườn cây cảnh rộng trên 3000m2 đạt tiêu chuẩn, có bộ lá xanh tốt, không sâu bệnh, cho giá trị cao nhất, nhiều năm nay, gia đình ông Trọng đều phải sử dụng thuốc trừ sâu như một thói quen đã đi vào tiềm thức.

Ông NGUYỄN VĂN TRỌNG, Thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình: “Làng chúng tôi bao năm nay thì chủ yếu trồng các cây hoa quả cảnh, và các cây cảnh thì phải đẹp, và để đẹp thì chúng tôi phải phun thuốc trừ sâu,.. Trước đây, mà muốn phun thì chúng tôi phải đóng cửa hết, xong cho trẻ con vào nhà.”

Trong 150 hộ dân tại thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận thì có tới 140 hộ dân làm nghề trồng cây cảnh lưu niên. Dù trong những năm gần đây, nhiều người đã nhận thức được về tác hại của thuốc trừ sâu hóa học nên đã chuyển sang sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học ít độc hại hơn. Thế nhưng, không thể phủ nhận, lượng thuốc trừ sâu đã được tích tụ trong nhiều năm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe của người dân và môi trường không khí.

Ths.BS NGUYỄN TRỌNG AN, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe: “Xã Bách Thuận là xã mà cả xã trồng cây cảnh nên người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, có thể gây ra nhiều loại bệnh như ung thư, rồi tim mạch, bệnh hô hấp...không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.”

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp có diện tích trồng lúa lớn trong cả nước, việc sử dụng thuốc trừ sâu cho lúa trong mùa vụ tại đây cũng là nguồn gây phát thải khí metan lớn do tình trạng ngập nước thường xuyên. Bởi khi ngập nước, các chất hữu cơ được phân giải trong điều kiện yếm khí sẽ sinh ra CH4, CO2, H2S...phát thải ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính.

NHỮNG TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TỪ CÁC NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN

Môi trường nông thôn nay đang chịu những sức ép từ chính các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nông thôn, đồng thời còn chịu tác động từ hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực đô thị lân cận. Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất, chất thải rắn tại khu vực nông thôn đã và đang gây ra những tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân.

Đây là ống khói của một trong những nhà máy nhiệt điện than đã vận hành hàng chục năm qua. Những luồng khói bốc lên từ những ống khói như thế này đã và đang góp phần gây ra thực trạng hiệu ứng nhà kính ngày càng nghiêm trọng. Khói, bụi của nhà máy này theo chiều gió bay sang khu vực nông thôn gần đó gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân.

Ông NGỤY VĂN ĐÓA, Xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang:Chúng tôi nằm cạnh hai bờ sông là sông cầu và sông Thương, thì trên 2 dòng sông này có nhiều khu công nghiệp xả thải trên lưu lượng của nước sông và đặc biệt có nhà máy nhiệt điện Phả Lại, mỗi năm xả thải ra nhiều khói, bụi...Nhiều gia đình chúng tôi cứ qua một tuần, nếu trên nhà tầng mà mình không quét thì sẽ có một lớp bụi mỏng.”

Ông NGUYỄN THẾ THIẾT, Chủ tịch UBND xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang: Ở địa phương, theo đánh giá chung hiện nay thì vấn đề ô nhiễm không khí thì chúng tôi đánh giá là vấn đề mang tính chất nguy cơ về môi trường. Cử tri có ý kiến về những cái hệ thống của nhà máy nhiệt điện phả lại, hệ thống của khu vực bên Quế võ, Bắc Ninh, những lò đốt rác thải...đấy là mắt thường người dân nhìn thấy, người dân phản ánh.”

Bụi thoát ra từ các ống khói thường có kích thước rất nhỏ (vài phần trăm micro mét hay còn gọi là bụi mịn PM2.5) và phát tán đi xa (hàng chục km). Trong bụi có chứa một số kim loại độc hại như chì, asen, đồng, kẽm,…được cảnh báo ở mức độ nghiêm trọng vào năm 2030.

Ths.BS NGUYỄN TRỌNG AN, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe - Giám đốc Dự án:Cái báo cáo của tổ chức khí hậu Châu âu và nghiên cứu của Đại học Massachusetts thì cái bụi mịn PM2.5 là cực kỳ khủng khiếp, không chỉ tác động gây ung thư, gây tim mạch, gây tiểu đường, mà còn có nguy cơ đến vấn đề sinh sản. Năm ngoái chúng tôi đã làm những nghiên cứu tại khu Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân thì sự bất ngờ khủng khiếp, không chỉ vấn đề về ung thư tăng rất nhiều lần, người dân 2 xã bị bệnh tim mạch gấp nhiều lên.”

Ngoài khói, bụi, lượng tro bay xỉ thải phát sinh trong quá trình vận hành của các nhà máy nhiệt điện than cũng mang đến nhiều lo ngại. Đây cũng là sức ép không nhỏ đối với các khu vực nông thôn có các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động.

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trò chuyện của THQHVN với TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường về vấn đề này!

XÂY DỰNG LÀNG XÃ CARBON THẤP: HÀNH ĐỘNG TỪ NGƯỜI DÂN

Trước những nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm không khí gây ra, nhiều dự án bảo vệ môi trường đã được triển khai, thông qua các hoạt động xây dựng mô hình về phòng, chống ô nhiễm không khí tại các địa phương, góp phần chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu nhiều loại bệnh do các loại khí thải độc hại gây ra.

Với sự tham gia của hàng chục cộng tác viên là người dân địa phương tại 4 xã thuộc 2 tỉnh Bắc Giang, Thái Bình; dự án bảo vệ môi trường tại nông thôn đã được xây dựng thành mạng lưới nhằm mục đích cùng chung tay hành động phòng chống ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe, môi trường. Dự án này cũng tạo cơ chế phối hợp nâng cao vai trò giữa chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, và mỗi người dân.

Ths.BS NGUYỄN TRỌNG AN, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe - Giám đốc Dự án:Chúng tôi lựa chọn những tỉnh, những địa phương có nguy cơ ô nhiễm không khí để xây dựng mô hình ở cộng đồng. Tự người dân biết được vấn đề này và giảm thiểu tác động có hại của ô nhiễm môi trường. (hi vọng) mô hình này sẽ lan rộng nó ra.”

Hoạt động tuyên truyền của đội ngũ cộng tác viên được thực hiện để giúp người dân thay đổi nhận thức và hành vi về một lối sống xanh như: thực hiện phân loại rác, ủ phân hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, không đốt rơm rạ, không đốt than tổ ong, trồng nhiều cây xanh…nhằm chung tay bảo vệ môi trường địa phương.

PGS.TS NGUYỄN HUY NGA, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế: “Hành vi của người dân đóng góp tới 40%, chính vì vậy ta phải tuyên truyền để người dân thay đổi hành vi của mình, phải có người đi tuyên truyền, vận động chính vì thế nên chúng tôi thành Đội ngũ CTV tham gia mạng lưới đến từng nhà để cùng nhau giảm bớt phát thải.”

Ông VŨ CÔNG THÀNH, Chủ tịch UBND xã An Tân, huyện Thái Thụỵ, tỉnh Thái Bình: “Với trách nhiệm là người đứng đầu của UBND xã thì cũng sẽ triển khai cho đội ngũ CTV thực hiện làm sao cho hiệu quả, và cũng lan tỏa trong cộng đồng về bảo vệ môi trường.”

Bên cạnh đó, cũng trong hoạt động của dự án đã trao máy đo chất lượng ô nhiễm không khí cho các địa phương để cảnh báo kịp thời đến người dân khi các chỉ số không khí không đảm bảo sức khỏe.

Ông NGUYỄN THẾ THIẾT, Chủ tịch UBND xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang:Với chiếc máy đo chất lượng không khí này, chúng tôi sẽ giao cho đúng bộ phận chuyên môn đó là bên y tế, và sẽ chọn điểm để đo. Trên cơ sở các chỉ số báo ở máy, nếu chất lượng không khí không đảm bảo thì cũng sẽ có thông báo đến cho người dân.”

Ngay sau khi ra mắt mạng lưới, đội ngũ cộng tác viên đã trực tiếp xuống từng hộ gia đình để thực hiện việc tuyên truyền, vận động, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Ông NGUYỄN HỮU HÒA, Cộng tác viên xã An Tân, huyện Thái Thụỵ, tỉnh Thái Bình: “Sau khi rác thải thu gom về thì chúng ta tiến hành phân loại ra. Với rác thải hữu cơ thì ta ủ lại bằng thuốc, còn lại rác khó phân hủy ta gom vào 1 chỗ”.

Trong thời gian 1 năm diễn ra dự án, mỗi cộng tác viên cộng đồng qua khảo sát trước sẽ lên danh sách và thực hiện tuyên truyền thay đổi hành vi của 10 hộ dân trên địa bàn của mình. Với tần suất xuống từng hộ là tối thiểu 2 lần/ 1 tháng.

Ông NGUYỄN HỮU HÒA, Cộng tác viên xã An Tân, huyện Thái Thụỵ, tỉnh Thái Bình:Tôi muốn sắp xếp lại kiến thức của mình để làm sao mà truyền đạt lại cho mọi người để mà dễ hiểu nhất cho người dân nhận thức được, am hiểu được và từ đó tự nguyện chấp hành".

Mô hình tích cực, xanh, sạch bảo vệ sức khỏe người dân được triển khai tại các xã kỳ vọng sẽ trở thành điểm thực địa để các địa phương học hỏi kinh nghiệm, thực hành hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhằm phát huy vai trò của chính cộng đồng dân cư trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần xây dựng làng xã carbon thấp.

Ông NGỤY VĂN ĐÓA, Cộng tác viên xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang: “Là một cộng tác viên, chúng tôi mang hết tâm huyết, những gì chưa hiểu được chúng tôi cũng nghiên cứu văn bản để đàm thoại để những thông tin bổ ích nhất tuyên truyền tới toàn thể nhân dân".

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện với TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường!

MÔ HÌNH LÀNG XÃ “XANH” TRÊN THẾ GIỚI

Biến đổi khí hậu hiện là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với đời sống con người và hệ sinh thái. Do đó, phát triển xanh và bền vững là xu hướng tất yếu hiện nay. Tại nhiều quốc gia, việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp đang trở thành ưu tiên hàng đầu. Cùng với mô hình đô thị xanh, thì mô hình cộng đồng, làng xã carbon thấp ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng đang nở rộ trên khắp thế giới.

Tại nhiều ngôi làng, nông nghiệp là ngành đem lại nguồn thu chính cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khí thải từ hoạt động nông nghiệp lại đang khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn. Do đó, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp bền vững đang được nhiều địa phương trú trọng.

Làng Thôi Lĩnh Tây, thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Từ năm 2012, ngôi làng này đã thành lập các hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng các nhà kính trồng rau hiện đại, thân thiện với môi trường và hạn chế gây ô nhiễm. Thông qua quản lý kỹ thuật số, làng Thôi Lĩnh Tây cũng đã xây dựng thành công thương hiệu rau sạch và điều này đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.

Người dân địa phương: "Tôi có thể kiếm được khoảng 200.000 nhân dân tệ từ mỗi vụ thu hoạch trong nhà kính và tôi cảm thấy rất có thành tựu. Điều này hoàn toàn khác so với mô hình canh tác truyền thống trước đây”.

Thu nhập bình quân của làng Thôi Lĩnh Tây đã tăng từ gần như bằng 0 lên hơn 4 triệu nhân dân tệ (gần 14 tỉ đồng) vào năm 2021. Khối lượng giao dịch hàng năm của xuất khẩu rau đã vượt quá 100 triệu nhân dân tệ (345 tỉ đồng). Nhờ thành công này, mô hình trồng rau sạch của làng Thôi Lĩnh Tây đã được nhân rộng trên khắp Trung Quốc.

Còn tại Đức, một mô hình độc đáo kết hợp giữa trồng cây hưu cơ và sản xuất năng lượng xanh đang được thử nghiệm tại làng Gelsdorf, miền nam nước này. Hệ thống sử dụng các tấm pin mặt trời để bảo vệ cây trồng khỏi những đợt mưa lớn, mưa đá hoặc những đợt nắng quá gay gắt. Đồng thời nguồn điện năng được tạo ra sẽ được sử dụng ngay trên các cánh đồng.

Anh CHRISTIAN NACHTWEY, Nông dân trồng cây hữu cơ: “Hệ thống này bao gồm hai loại mô-đun khác nhau, mỗi mô-đun sẽ truyền đi 50% lượng ánh sáng chiếu xuống bề mặt. Do vậy, tổng công suất của cả hệ thống có thể lên tới khoảng 250 kilowatt. Số điện năng này sẽ hỗ trợ chúng tôi trong việc quản lý cây trồng, hoặc để sử dụng cho các máy cày chạy bằng điện.”

Mặc dù mới được thử nghiệm từ năm 2020, nhưng hệ thống này đã mang lại thành công bước đầu, tạo ra mô hình canh tác thân thiện với môi trường, đồng thời giúp Đức tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

Nhận thức được ảnh hưởng, tác hại của ô nhiễm môi trường, trong thời gian qua, nhiều biện pháp, giải pháp đã được xây dựng, đề xuất nhằm ngăn chặn sự suy thoái, ô nhiễm môi trường nông thôn. Tuy nhiên, công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn vẫn còn những tồn tại và cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Việc chúng ta cần phải làm ngay là phải phát huy được các nguồn lực trong quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn, mà trước nhất phải bắt đầu từ hành động của chính người dân.

CẦN CÓ HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ THỪA NHẬN CARBON RỪNG LÀ HÀNG HÓA

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với trữ lượng rừng khoảng 990 triệu m3, mỗi năm Việt Nam có thể bán tới 50 triệu tín chỉ carbon rừng để thu về hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là giá trị gia tăng của rừng không chỉ đơn thuần về lợi ích kinh tế mà còn được ghi nhận là đóng góp của quốc gia đối với ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Đáng tiếc là việc kinh doanh tín chỉ carbon rừng của Việt Nam tới nay vẫn chỉ dừng ở mức thí điểm do carbon rừng chưa được thừa nhận là hàng hóa.

Hiện một số địa phương như Quảng Nam, Tuyên Quang đã tiến hành thí điểm bán tín chỉ carbon rừng. Nhưng sau nhiều nỗ lực việc thí điểm này vẫn đang giậm chân tại chỗ vì các địa phương không thể chuyển tín chỉ carbon rừng thành tiền.

Bà MAI THỊ HOÀN, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Thiếu có chế chia sẻ lợi ích. Đặc biệt là cơ chế chia sẻ nguồn tài chính thu từ tín chỉ carbon rừng nếu được. Phải có cơ chế hướng dẫn là người dân trồng rừng và quản lý rừng thì được hưởng bao nhiêu, tỉnh là bao nhiêu rồi đầu tư cho các lĩnh vực khác là bao nhiêu?”

Không chỉ có vậy, theo các chuyên gia chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý để thừa nhận carbon rừng là một loại hàng hóa. Có thể hiểu, cây gỗ khi đang đứng trong rừng, nó sẽ lưu trữ một lượng carbon, lượng carbon ấy phải được thừa nhận là hàng hóa để có thể bán được giống như là gỗ hay hoa trái có trên cây. Một vấn đề khác nữa là người được quyền chuyển nhượng lượng carbon trữ trong cái cây ấy sẽ là ai cũng chưa có văn bản nào quy định rõ.

Ông NGUYỄN BÁ NGÃI, Phó chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam:Người chuyển quyền carbon hiện nay là chưa rõ vì những người chủ rừng của chúng ta nhỏ lẻ, muốn thương mại hóa tín chỉ carbon rừng phải có một diện tích rất lớn vậy ai sẽ là người đứng ra chuyển quyền? Cơ quan Nhà nước hay một tổ chức nào đó đại diện cho các chủ rừng hay là ai đó thì việc này chúng ta chưa làm được. Từ đó chúng ta phải làm một bước nữa và chúng ta phải xác minh được lượng carbon đang tồn tại trong đó rồi hành lang pháp lý để xác định giá cả thế nào quy chế thế nào, cơ chế chia sẻ lợi ích.”

Mặc dù những vấn đề này đã được đề cập trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Luật Lâm nghiệp 2007 nhưng vẫn chung chung, chưa đầy đủ. Nên khi vận dụng vào thực tiễn gặp rất nhiều vướng mắc.

TS NGUYỄN ĐÌNH TIẾN- Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế tài nguyên và Bất động sản, Trường ĐHKT, Đại học Quốc gia Hà Nội:Đối với Việt Nam, hiện nay việc thương mại hóa carbon chưa được quy định cụ thể trong luật. Để việc giao dịch tín chỉ carbon thực sự diễn ra chúng ta cần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật.”

NHỮNG NGÔI LÀNG “NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO” TẠI ĐỨC

Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, thì việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp bách. Trong phần “Tương lai năng lượng” tuần này, mời quý vị ghé thăm một vùng nông thôn miền Tây nước Đức, với những ngôi làng đã bắt đầu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cách đây hàng thập kỷ và gần như không phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ bên ngoài.

Những tuabin gió chạy dọc đường chân trời, những ngôi nhà với các tấm pin mặt trời gắn trên gác mái đứng san sát nhau. Đây là hình ảnh quen thuộc tại nhiều làng quê ở vùng nông thôn Rhein-Hunsrueck, Tây Đức, gần biên giới với Luxembourg.

Từ năm 1995, giới chức địa phương đã dự đoán về một cuộc chiến năng lượng có thể xảy ra trong tương lại, nên đã mạnh dạn hành động và thành quả giờ đây là hệ thống mạng lưới năng lượng xanh hiện đang phủ kín khắp các ngôi làng.

Ông FRANK-MICHAEL UHLE, Người phụ trách các vấn đề khí hậu tại Rhein-Hunsrueck:Cho đến tận năm 1995, chúng tôi chưa thể tự sản xuất được một kilowatt điện nào. Tất cả năng lượng đều phải được nhập khẩu. Sau đó, một số người có tầm nhìn dũng cảm nói rằng các cuộc chiến về dầu khí đang diễn ra và chúng ta cần phải làm gì đó để giải quyết vấn đề. Vì vậy, họ đã xây dựng các tuabin gió đầu tiên sản xuất điện cho 200 hộ gia đình.”

Với tầm nhìn chiến lược, mà sau gần 30 năm, hơn 300.000 hộ gia đình tại đây đã có thể sử dụng nguồn năng lượng từ gần 300 tuabin gió được lắp đặt trên toàn vùng. Ngoài năng lượng gió, giới chức vùng Rhein-Hunsrueck còn khuyến khích người dân tận dụng gỗ xẻ và các cành cây khô để sưởi ấm, nhằm giúp tiết kiệm năng lượng.

Ông THOMAS LORENZ, Người phụ trách vấn đề xử lý rác thải tại Rhein-Hunsrueck:Chúng tôi hiện tận dụng khoảng một nửa lượng gỗ thừa. Nếu muốn xử lý tất cả, chúng tôi có thể dễ dàng vận hành ba nhà máy sưởi khác. Vì vậy, về lý thuyết, chúng tôi có thể vận hành sáu nhà máy. Tiềm năng của các nhà máy hiện tương đương với một triệu lít dầu nóng. Vì vậy, với 100.000 cư dân trong quận và lượng gỗ thừa mà chúng tôi có, chúng tôi có thể thay thế hai triệu lít dầu dùng để sưởi ấm mỗi năm bằng các thiết bị sưởi”

Nhờ đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, vùng nông thông Rhein-Hunsrueck giờ đây đã hoàn toàn có thể tự chủ về năng lượng, không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, trái ngược hoàn toàn với nhiều khu vực khác trên khắp nước Đức và châu Âu hiện đang phải đau đầu với bài toán tiết kiệm năng lượng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG XANH GÓP PHẦN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Với mục tiêu “xanh hóa”, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp đã tự đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, sử dụng năng lượng sạch phục vụ hoạt động của mình. Việc giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch của các doanh nghiệp sẽ góp phần không nhỏ vào việc hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ Tướng Chính Phủ đã ký tại Cop26.

Trước đây, cả tòa văn phòng này thường phải chi từ 45-50 triệu tiền điện mỗi tháng. Kể từ cuối năm 2021 đến nay, sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, chi phí sử dụng điện của họ đã giảm đáng kể.

Ông BÙI NGỌC ĐẠI, Cán bộ quản lý hệ thống điện, Công ty CP Shinec:Công ty chúng tôi lắp đặt thí điểm hệ thống điện áp mái này với công suất 81KW. Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng với hệ thống điện áp mái này chúng tôi tiết kiệm được tới 50% chi phí điện so với trước.

Thực tế cho thấy, việc phát triển điện mặt trời áp mái không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí tiền điện mà còn giúp giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Đồng thời, việc tăng cường sử dụng nguồn năng lượng xanh còn giúp giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, hướng tới mục tiêu lớn là giảm phát ròng về bằng “0” vào năm 2050.

Ông NGUYỄN ANH MINH, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Shinec:Khi tính toán tổng thể cho bài toán trung hòa carbon, hướng tới mục tiêu đến năm 2024 chúng tôi sẽ trung hòa carbon thì chúng tôi cần những cơ sở thông tin rất là cụ thể để làm cơ sở áp dụng cho các nhà máy. Chúng tôi lấy dự án điện mái này để làm cơ sở thực tiễn để các doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở để triển khai cho doanh nghiệp của mình đồng thời phối hợp với các nhà khoa học để đưa ra được bài toán tổng thể để đạt được mục tiêu chung của cộng đồng doanh nghiệp tại đây.”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, sử dụng năng lượng "xanh" trong sản xuất, không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận hành mà đây còn là một trong những lợi thế lớn trong hợp tác kinh doanh đặc biệt là với những đối tác lớn của thị trường Châu Âu.

Không chỉ sử dụng năng lượng xanh, nếu mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ tạo nên được sự khác biệt, môi trường sống của chúng ta cũng vì thế mà xanh hơn, sạch hơn đáng sống hơn.

Thực hiện : Kim Thanh Kim Thoa Hiền Trang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cop26-so-18-xay-dung-lang-xa-carbon-thap-hanh-dong-tu-nguoi-dan