COP26: Thế giới đạt đến 'dấu mốc' mới

Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, Anh từ đầu tuần này đến ngày 12-11. Không chỉ đạt được những cam kết mạnh mẽ đầy triển vọng, COP26 còn có nhiều sáng kiến và chính sách đầy tiềm năng.

Các nhà lãnh đạo thế giới tại COP26 ngày 1-11. Ảnh: REUTERS

Các nhà lãnh đạo thế giới tại COP26 ngày 1-11. Ảnh: REUTERS

Việt Nam thể hiện mạnh mẽ

Cùng hơn 120 lãnh đạo quốc gia, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự COP26 vào đầu tuần này. Tại COP26, Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.

“Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đưa ra 3 thông điệp quan trọng, Thủ tướng cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tiếp đó, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi thế giới phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu. Đây là đòi hỏi tất yếu để cùng nhau kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất. Dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong thông điệp thứ 3, Thủ tướng cho biết, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025.

Cũng theo Thủ tướng, là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam khẳng định quyết tâm và nỗ lực cao nhất để vượt mọi khó khăn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dư luận quốc tế đánh giá, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chắc chắn sẽ có những tác động quan trọng đối với nỗ lực chung tại COP26. Việt Nam không chỉ đưa ra những cam kết mà còn đề xuất những sáng kiến, chính sách cụ thể đầy tiềm năng.

Nhiều kỳ vọng

Khác với COP25 không đạt nhiều kết quả tích cực, ngay từ những ngày đầu diễn ra các phiên họp đầu tiên, COP26 đã mang tới cho thế giới nhiều niềm kỳ vọng. Trong đó, kỳ vọng COP26 trở thành hội nghị lịch sử được minh chứng rõ nét nhất ở việc ngay trong ngày đầu diễn ra hội nghị, trên 100 nhà lãnh đạo thế giới đã cùng cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào cuối năm 2030 thông qua khoản ngân sách 19 tỷ USD.

Quang cảnh COP26 trong ngày đầu nghị sự. Ảnh: REUTERS

Quang cảnh COP26 trong ngày đầu nghị sự. Ảnh: REUTERS

Thành công của COP26 được nhận định thể hiện qua số lượng cam kết và số lượng đóng góp. Những kỳ vọng đã được hiện thực hóa từng bước ngay từ những ngày đầu của hội nghị. Hàng loạt cam kết mạnh mẽ, những đề xuất tiềm năng, cụ thể của nhiều quốc gia được đưa ra.

Nổi bật như Indonesia kêu gọi thế giới đồng bộ hóa chính sách chống biến đổi khí hậu; Ấn Độ - quốc gia phát thải carbon lớn cuối cùng trên thế giới công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070; Canada kêu gọi áp thuế carbon trên quy mô toàn cầu và tuyên bố áp đặt “giới hạn cứng” đối với lượng khí thải từ lĩnh vực dầu khí; Australia cam kết thúc đẩy phát triển và ứng dụng các công nghệ phát thải thấp là trọng tâm kế hoạch của nước này; Anh - Ấn Độ công bố sáng kiến kết nối lưới điện, cho phép chuyển năng lượng tái tạo từ nơi thưa sang nơi thiếu; Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ phục hồi kinh tế xanh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN);...

Dù COP26 đang cho thấy thế giới chuyển mình tích cực, song, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cần mạnh mẽ hơn nữa để vượt qua những thách thức hiện hữu. Theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay là tìm “lời giải” hữu hiệu cho “bài toán” ngừng sử dụng than đá.

Bởi trên thực tế, nhu cầu năng lượng và mục tiêu giảm lượng khí thải có nhiều phần đối lập nhau. Điển hình như nhiều nơi trên thế giới đang gia tăng nhu cầu than đá thay vì giảm xuống. Trong khi đó, dù sản lượng năng lượng tái tạo tăng mạnh nhưng tổng thể chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu và vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá để sản xuất điện.

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra cũng đang cho thấy những khó khăn rất lớn khi nguồn cung than đá không đủ đáp ứng nhu cầu ở những “công xưởng” của thế giới. Ở chiều ngược lại, giới chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng này cũng minh chứng cho thấy thế giới cần sớm chấm dứt cảnh sống lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nên việc chuyển năng lượng tái tạo cấp thiết phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Như Thủ tướng Anh Boris Johnson - nước chủ nhà COP26 kêu gọi, đây chính là thời điểm “bước ngoặt của nhân loại”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cop26-the-gioi-dat-den-dau-moc-moi-post445247.html