COP27 thảo luận về 'bồi thường khí hậu'
Tìm kiếm giải pháp 'bồi thường' khí hậu cho các nước đang phát triển sẽ là một trong những trọng tâm được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 27 (COP27).
Bên cạnh những cam kết mới đầy tham vọng, những mục tiêu chuyển đổi nhiều ngành công nghiệp then chốt như năng lượng, vận tải sang hướng xanh hóa, một trong những kết quả đáng được ghi nhận tại COP26 là cam kết đẩy nhanh tiến trình thực hiện mục tiêu các nước phát triển hỗ trợ 500 tỷ USD tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển trong vòng 5 năm cho đến năm 2025.
Thực tế, khoản tài chính 100 tỷ USD mỗi năm đáng lẽ ra phải được các nước phát triển thực hiện đến năm 2020 từ một cam kết tại COP15 (năm 2009). Cam kết này tiếp tục được nhắc lại khi các quốc gia ký kết Thỏa thuận Paris tại COP21 năm 2015, bị trì hoãn tới tận năm 2025.
Sinh kế và nông nghiệp trước biến đổi khí hậu
Tuy nhiên, dường như “lời hứa” này vẫn còn rất mong manh, khi nhiều nước phát triển đang tỏ ra tương đối thờ ơ với nghĩa vụ đóng góp tài chính. Mặt khác, nỗi lo suy thoái toàn cầu cũng khiến dòng tiền bị siết chặt, dẫn đến các nguồn lực bị hạn chế.
Tại phiên toàn thể khai mạc COP27 ngày 6/11, vấn đề trách nhiệm hỗ hợ tài chính khí hậu của các nước phát triển lại được nêu ra. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở “trách nhiệm hỗ trợ”, COP27 còn nhất trí sẽ thảo luận về câu hỏi “các nước giàu có nên “bồi thường” cho nước nghèo bị tác động bởi biến đổi khí hậu hay không”?
Theo Reuters, trong khoảng hơn 10 năm qua, các nước giàu từ chối việc thảo luận về những mất mát và thiệt hại (loss and damage) mà biến đổi khí hậu gây ra cho nước nghèo, cũng như tìm kiếm giải pháp hỗ trợ để các nước nghèo chống và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Gần đây nhất, tại COP26, các nước phát triển, bao gồm Mỹ và thành viên của EU đã phản đối đề xuất thành lập một cơ quan hỗ trợ tổn thất và thiệt hại cho các nước nghèo, thay vào đó là thảo luận mức hỗ trợ tài chính khí hậu.
Tuy nhiên, hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra cho các nước nghèo đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điển hình như trận lũ lụt lịch sử nhấn chìm 1/3 diện tích đất nước Pakistan, có thiệt hại lên tới hơn 30 tỷ USD. Đáng chú ý, Pakistan là quốc gia phát thải rất ít khí nhà kính.
Nhận xét về chủ đề thảo luận chính, Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry cho biết, COP27 không đảm bảo việc “bối thường” sẽ được gắn cho quốc gia nào, tuy nhiên sẽ là đóng góp quan trọng cho quyết định chính thức dự kiến sẽ được đưa ra trước năm 2025. Cụ thể, thảo luận tại COP27 yêu cầu các nước phát triển phải tham gia tích cực hơn vào chủ đề này, thay vì tránh né như trước đây.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cop27-thao-luan-ve-boi-thuong-khi-hau-1667763370257.htm