COP28: Dự thảo thỏa thuận mới không kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch
Bản dự thảo mới dài 21 trang của COP28 không yêu cầu phải có hành động đối với nhiên liệu hóa thạch, mà chỉ đưa ra các biện pháp mà các nước 'có thể' thực hiện.
Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), đã nhận sự "kêu ca" từ các cường quốc phương Tây và các nhà hoạt động vì môi trường về một bản dự thảo thỏa thuận thiếu lời kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Sau khi bản dự thảo trước đó đề cập đến phương án mang tính bước ngoặt là “loại bỏ dần” dầu, khí đốt và than đá, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber ngày 11/12 đã công bố một bản dự thảo mới, trong đó tập trung vào việc “giảm” hoạt động sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu đến năm 2050 đưa lượng khí thải ròng về 0.
Lo ngại biến đổi khí hậu đe dọa sự tồn tại của mình, các đảo quốc nhỏ cho rằng UAE đã phớt lờ lợi ích của các nước này.
Bên cạnh đó, ông Jaber còn nhận ý kiến trái chiều từ các nhà hoạt động vì môi trường, những người cho rằng ông vẫn có “tham vọng cao” về nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, các bộ trưởng châu Âu đã bày tỏ sự thất vọng với bản dự thảo trên và cảnh báo họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán dài hơi hơn.
Bản dự thảo dài 21 trang này không yêu cầu phải có hành động đối với nhiên liệu hóa thạch, mà chỉ đưa ra các biện pháp mà các nước “có thể” thực hiện.
Theo thỏa thuận dự thảo, các nước có thể thực hiện các biện pháp, trong đó có “giảm cả lượng tiêu thụ và sản lượng nhiên liệu hóa thạch một cách hợp lý, có trật tự và công bằng để đạt được mục tiêu đưa lượng khí thải ròng về 0 trước hoặc vào khoảng năm 2050.”
Dự thảo thỏa thuận của COP28 kêu gọi đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ không phát thải hoặc phát thải thấp, bao gồm nhiên liệu tái tạo, năng lượng hạt nhân và công nghệ thu hồi và lưu giữ carbon (CCS), để tăng cường những nỗ lực hướng tới việc thay thế nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng./.