COP29: Còn nhiều bất đồng về tài chính biến đổi khí hậu

Cuộc đàm phán giữa các nước chuẩn bị cho hội nghị khí hậu COP29 vào cuối năm nay đang diễn ra tại thành phố Bonn của Đức. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng giữa các bên về việc quốc gia nào sẽ phải trả chi phí biến đổi khí hậu và trả bao nhiêu.

Điều gì đang được thảo luận?

Tài chính khí hậu là tiền mà các nền kinh tế lớn cung cấp để giúp các nước nghèo đầu tư vào các dự án nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính và đối phó với thời tiết khắc nghiệt ngày càng tồi tệ do biến đổi khí hậu gây ra.

 Những ngôi nhà chìm trong nước lũ sau trận mưa lớn tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 22/4. Ảnh: Reuters

Những ngôi nhà chìm trong nước lũ sau trận mưa lớn tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 22/4. Ảnh: Reuters

Năm 2009, các nước phát triển đã đồng ý chuyển 100 tỷ USD mỗi năm vào các quỹ này, từ năm 2020 đến năm 2025. Và nhiệm vụ của các nhà đàm phán trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc năm nay là đặt ra mục tiêu mới sau năm 2025.

Bao nhiêu là đủ?

Biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ và đầu tư năng lượng sạch bị chậm trễ ở các quốc gia đang phát triển, đồng nghĩa với việc chi phí ước tính phải tăng mạnh kể từ khi các quốc gia đồng ý mục tiêu tài chính khí hậu đầu tiên.

Theo một báo cáo được Liên hợp quốc chỉ ra, từ năm 2023 đến năm 2030, ước tính các nước đang phát triển cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm (chưa tính Trung Quốc) để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và bảo vệ xã hội của họ khỏi thời tiết khắc nghiệt.

Đó sẽ là mức tăng gấp 4 lần so với mức hiện tại. Khoản này bao gồm tài chính công, cũng như tài chính tư nhân và nguồn tài trợ bao gồm từ các ngân hàng phát triển.

Trước COP29, một số quốc gia đã đề xuất những con số cho mục tiêu mới. Nhóm các quốc gia Ả Rập, bao gồm Ả Rập Xê Út, UAE và Ai Cập, đề xuất mục tiêu của Liên hợp quốc là 1,1 nghìn tỷ USD mỗi năm, trong đó 441 tỷ USD đến trực tiếp từ các nước phát triển dưới dạng tài trợ.

Ấn Độ, các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ cũng cho biết cần huy động hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm, nhưng có nhiều quan điểm khác nhau về việc bao nhiêu trong số này sẽ đến từ kho bạc chính phủ.

Các cuộc thảo luận đang xoay quanh ý tưởng về mục tiêu hai lớp: kết hợp mục tiêu bên ngoài lớn hơn bao gồm tất cả tài chính khí hậu toàn cầu, từ các khoản vay của ngân hàng phát triển đến tài trợ tư nhân, và mục tiêu cốt lõi, nhỏ hơn là tiền công từ chính phủ các nước giàu.

Các nước phát triển dự kiến sẽ dẫn đầu trong việc cung cấp nguồn tài trợ, mặc dù Mỹ và EU mỗi nước cho biết mục tiêu mới phải vượt mục tiêu 100 tỷ USD trước đó.

Ai phải trả tiền?

Hiện tại, chỉ có vài chục quốc gia giàu có nghĩa vụ cung cấp tài chính khí hậu. Danh sách các quốc gia tài trợ đó đã được quyết định trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc vào năm 1992 và không thay đổi kể từ đó.

EU và Mỹ cho rằng danh sách đó đã lỗi thời và muốn bổ sung thêm các nhà tài trợ mới bao gồm Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và các quốc gia có GDP bình quân đầu người cao như Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Bắc Kinh đã kiên quyết phản đối điều này. Câu hỏi quốc gia nào phải trả tiền dự kiến sẽ là vấn đề cốt lõi tại COP29.

Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, nghĩa là không ai trong số gần 200 quốc gia tham gia có thể phản đối một thỏa thuận.

Xác định rõ tài chính khí hậu là gì?

Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy ngày nay, hầu hết tài chính công về khí hậu là các khoản vay, với tỷ lệ trợ cấp nhỏ hơn. Các loại tài trợ khác được tính bao gồm tài chính tư nhân do chính phủ huy động, tín dụng xuất khẩu và hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển.

Một số quốc gia đề nghị xác định những thứ không được tính là tài chính khí hậu. Tại cuộc đàm phán ở Bonn trong tuần này, các nhà đàm phán từ các quốc đảo nhỏ đã tranh luận về việc không tính các khoản cho vay được cung cấp theo lãi suất thị trường và tín dụng xuất khẩu. Họ lo ngại rằng nguồn tài trợ khí hậu được đưa ra dưới dạng các khoản vay đang đẩy các quốc gia nghèo hơn vào nợ nần.

Các quốc gia cũng thảo luận liệu các cam kết cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch có thể được phản ánh trong mục tiêu tài chính khí hậu hay không - một đề xuất bị các nhà sản xuất dầu khí trong đó có Oman phản đối.

Với ngân sách công bị căng thẳng, các quốc gia đang tìm kiếm các nguồn tài trợ mới. Các ý tưởng sẽ được thảo luận tại COP29 vào cuối năm nay tại Baku, Azerbaijan, bao gồm thuế đối với nhiên liệu hóa thạch và lĩnh vực quốc phòng, cũng như hoán đổi nợ (một phần nợ của một quốc gia được xóa, đổi lấy quốc gia đó đầu tư nhiều hơn vào giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu).

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cop29-con-nhieu-bat-dong-ve-tai-chinh-bien-doi-khi-hau-post299164.html