COP29 đặt trọng tâm vào mục tiêu tăng công suất trữ năng lượng toàn cầu
Azerbaijan, nước chủ nhà của Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) kêu gọi hơn 190 quốc gia ủng hộ mục tiêu tăng công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu lên 6 lần vào năm 2030.
(KTSG Online) – Azerbaijan, nước chủ nhà của Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) kêu gọi hơn 190 quốc gia ủng hộ mục tiêu tăng công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu lên 6 lần vào năm 2030.
Đó là một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự bao gồm các sáng kiến và cam kết toàn cầu mà Azerbaijan sẽ đưa ra tại hội nghị COP29.
Hãng tin Bloomberg cho biết, dự thảo về đề xuất trên có tên gọi là Cam kết lưu trữ năng lượng xanh toàn cầu, sẽ được trình bày tại hội nghị COP29 ở Baku, Azerbaijan vào tháng 11 tới. Đề xuất này tương tự thỏa thuận của khối cường quốc công nghiệp G7 ký kết hồi tháng Tư về mục tiêu nâng công suất trữ năng lượng toàn cầu lên 1.500 GW vào cuối thập niên này, từ mức 230 GW vào năm 2022.
Mức công suất đó phù hợp với khuyến nghị Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) để đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính được nhất trí tại hội nghị COP28 hồi cuối năm ngoái ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Để đạt được mục tiêu trên, thế giới sẽ cần bổ sung trung bình hơn 158 GW công suất trữ năng lượng mỗi năm cho đến năm 2030. Cùng với đó là cần một lượng lớn pin để cho phép các lưới điện trên khắp thế giới trữ năng lượng mặt trời và gió dư thừa, có thể triển khai vào những thời điểm mặt trời không chiếu sáng hoặc gió không thổi.
Một nguồn lưu trữ năng lượng ngày càng phổ biến khác là thủy điện tích năng. Trong đó, nước từ hồ bên dưới được bơm lên hồ bên trên vào các khung giờ thấp điểm của nhu cầu điện. Sau đó, nước được xả xuống trở lại hồ bên dưới để sản xuất điện khi nhu cầu lên cao điểm. Theo dữ liệu của từ Hiệp hội Thủy điện quốc tế và IEA, tính đến năm ngoái, thế giới có khoảng 179 GW thủy điện tích năng và khoảng 85 GW pin trữ năng lượng.
Theo IEA, chi phí pin trữ năng lượng hiện nay rẻ hơn 90% so với 15 năm trước. Khi kết nối với trang trại điện mặt trời, pin trữ năng lượng có thể là giải pháp thay thế rẻ hơn so với việc xây dựng các nhà máy điện than ở Ấn Độ. Sự kết hợp này dự kiến sẽ sớm cạnh tranh với chi phí khí đốt ở Mỹ và nhà máy điện than mới ở Trung Quốc.
Chi phí trung bình của pin lithium-ion đã giảm mạnh xuống còn 139 đô la Mỹ/kWh vào năm 2023, từ mức gần 800 đô la/kWh cách đây10 năm, theo Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF)
Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng, chi phí pin cần phải giảm hơn nữa để ngành công nghiệp này có thể cất cánh. Chuỗi cung ứng pin, hiện nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc cũng cần trở nên đa dạng hơn.
Đề xuất của Azerbaijan khuyến khích các thành viên của COP29 xem xét phát triển các loại pin mới có chi phí rẻ hơn và tiêu chuẩn hóa mô hình tái chế để giúp tái sử dụng pin hết hạn dễ dàng hơn.
Các ưu tiên khác mà Azerbaijan đặt ra trong chương trình nghị sự của COP29 bao gồm mở rộng và nâng cấp mạng lưới điện, cắt giảm khí thải methane từ chất thải hữu cơ. Methane là loại khí thải nhà kính mạnh gấp 80 lần so với khí carbon.
Hôm 17-9, trong thư gửi cho các nước và tổ chức tham dự hội nghị COP29 sắp tới, Bộ trưởng sinh thái Azerbaijan, Mukhtar Babayev, người được chỉ định vai trò chủ tịch COP29, trích dẫn lời cảnh báo của Nizami Ganjavi, nhà thơ và nhà tư tưởng của Azerbaijan hồi thế kỷ 12 rằng, “nhân loại sẽ tự hủy diệt” trừ khi sống hòa hợp với thiên nhiên.
Ông đề xuất các nước áp dụng mục tiêu cắt giảm khí methane, loại khí thoát ra trong quá trình xử lý rác thải và sản xuất thực phẩm. Theo Liên Hiệp Quốc, rác thải là nguồn phát sinh khí methane nhân tạo phổ biến thứ ba, sau lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp.
Một trong những vấn đề gai góc nhất mà các nhà ngoại giao tại COP29 cần giải quyết là thống nhất mức đóng góp tài chính hàng năm của các nước giàu nhằm hỗ trợ nước nghèo ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều nước đang phát triển cho biết không thể nâng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính nếu không có thêm nguồn tài chính hỗ trợ.
Với tình trạng bế tắc hiện nay về một thỏa thuận như vậy, nước chủ nhà Azerbaijan dự kiến đưa ra một loạt sáng kiến nhỏ, không đòi hỏi đàm phán và sự đồng thuận. Trong đó, có việc thành lập quỹ hành động tài chính khí hậu mới. Ban đầu, quỹ này đạt mục tiêu huy động sự đóng góp tự nguyện khoảng 1 tỉ đô la từ các nước và công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Theo Bloomberg, Reuters, Financial Times