COP29 ngày 2: Cam kết 120 tỷ USD hỗ trợ tài chính khí hậu
Các ngân hàng cam kết tăng cường khoản hỗ trợ tài chính khí hậu cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lên 120 tỷ USD một năm vào năm 2030.
Chương trình hội nghị COP29 (từ 11-22/11) vẫn đang diễn ra với nhiều phiên thảo luận nóng bỏng.
Trong đó, tại ngày thứ 2 của hội nghị, các ngân hàng đa phương hàng đầu thế giới cam kết tăng cường khoản hỗ trợ tài chính khí hậu cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lên 120 tỷ USD một năm vào năm 2030. Đây là một phần nỗ lực đàm phán nhằm đưa ra mục tiêu cuối cùng tham vọng hơn.
Hội nghị khẳng định lại mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp vào năm 2050. Theo hội nghị, cam kết tài chính mới tăng hơn 60% so với số tiền mà nhóm 10 ngân hàng phát triển đa phương (MDB) chuyển cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2023.
Trong cam kết 120 tỷ USD này, 42 tỷ USD sẽ nhằm giúp các nước thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt, tăng 70% so với con số năm 2023.
‘Khoảng cách tài trợ’ về khí hậu đang ngày càng lớn
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cảnh báo về khoảng cách ngày càng lớn giữa số tiền tài trợ cần thiết để thích ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu và số tiền đã cam kết cho đến nay.
Khi các đại biểu tại hội nghị khí hậu COP29 ở Baku cố gắng đạt được một thỏa thuận khó khăn để tăng nguồn tài trợ cho hành động ứng phó với khí hậu ở các nước đang phát triển, Lagarde cho biết “‘khoảng cách tài trợ’ đang ngày càng lớn”.
Bà chỉ ra những con số cho thấy nhu cầu tài trợ “cao hơn 50% so với ước tính trước đây và lớn hơn tới 18 lần so với các cam kết hiện tại”.
“Chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng đã đòi hỏi đầu tư vào năng lượng sạch phải tăng gấp ba lần vào năm 2030”, bà cho biết trong một chuyên mục do Financial Times đăng và trên trang web của ECB.
Việt Nam ủng hộ đảm bảo tài chính khí hậu
Nhiệm vụ chính của gần 200 quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên hợp quốc là đưa ra một thỏa thuận đảm bảo nguồn tài trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD cho các dự án khí hậu trên toàn thế giới.
Việt Nam đã và đang kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định cũng như nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đến với Hội nghị COP29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng bởi hiện nay, chênh lệnh đang quá lớn. Theo báo cáo mới nhất, nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng biến đổi khí hậu nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng 2 – 3% còn lại dành cho các hoạt động vừa thích ứng, vừa giảm nhẹ.
Tại COP26, Việt Nam cùng nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, Việt Nam chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đạt nhiều kết quả quan trọng sau nhiều năm triển khai.
Theo hầu hết các ước tính, các nước đang phát triển cần hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm để đạt được các mục tiêu về khí hậu và bảo vệ xã hội khỏi thời tiết khắc nghiệt.
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh hơn. Các hoạt động của con người - chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch - làm tăng nhiệt độ trung bình dài hạn của hành tinh lên khoảng 1,3 độ C, gây ra lũ lụt, bão và đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Nếu các kế hoạch cắt giảm khí thải của các quốc gia không đủ để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, thay vào đó sẽ dẫn đến tình trạng nóng lên tồi tệ hơn nhiều.
Các nhà khoa học cho biết, hạn chót của Liên hợp quốc là vào năm tới để các quốc gia cập nhật các kế hoạch khí hậu quốc gia, cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa.
Nếu COP29 không đưa ra được thỏa thuận tài trợ lớn, các quốc gia có thể phải đưa ra các kế hoạch khí hậu yếu hơn với lý do họ không đủ khả năng chi trả cho các chương trình tham vọng.
Cho đến nay, hầu hết các khoản chi nhằm ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới đều hướng đến các nền kinh tế lớn. 54 quốc gia châu Phi chỉ nhận được 2% tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo toàn cầu trong hai thập kỷ qua.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cop29-ngay-2-cam-ket-120-ty-usd-ho-tro-tai-chinh-khi-hau-ar907164.html