Cột cờ Tổ quốc ở hai đầu đất nước

Chuyến đi này đúng là không có trong kế hoạch, nó khởi đầu từ một đề xuất của một người bạn trong đoàn công tác nhưng lại nhanh chóng nhận được sự đồng tình của mọi người. Về để tri ân và về để thêm yêu Tổ quốc mình hơn...

Cột cờ Đất Mũi

Chúng tôi về Đất Mũi vào một ngày cuối năm. Bầu trời phương Nam chan hòa ánh nắng. Một chút mưa nhỏ bất chợt đủ để làm không khí thêm phóng khoáng. Chuyến đi này đúng là không có trong kế hoạch, nó khởi đầu từ một đề xuất của một người bạn trong đoàn công tác nhưng lại nhanh chóng nhận được sự đồng tình của mọi người. Về để tri ân và về để thêm yêu Tổ quốc mình hơn.

Cô gái thuyết minh Nam bộ giản dị trong áo bà ba, ấn tượng với chiếc khăn rằn đặc trưng Nam bộ, giọng ngọt như mía lùi: “Huyện Ngọc Hiển là huyện cực Nam của Việt Nam. Địa bàn huyện này thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tên của huyện được đặt theo tên của ông Phan Ngọc Hiển, sinh thời là nhà báo, nhà giáo, nhà văn và là chí sĩ yêu nước thời Pháp thuộc. Ông hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai tại Cà Mau, năm 1940…”.

Đoàn công tác chụp ảnh bên cột cờ Đất Mũi.

Đoàn công tác chụp ảnh bên cột cờ Đất Mũi.

Chúng tôi bước vào không gian rộng thoáng của thân đế cột cờ, gọi là tầng trệt. Tầng này có diện tích 400 mét vuông, được bố trí làm nơi để trưng bày giới thiệu khái quát về tỉnh Cà Mau, về điều kiện tự nhiên, về lịch sử khai phá và đấu tranh cách mạng, cùng với giới thiệu về đời sống, sinh hoạt của người dân vùng Đất Mũi. Để người xem được ôn lại lịch sử khai khẩn và đấu tranh với giặc giã, với thiên nhiên của cha ông chúng ta từ thuở “mang gươm đi mở cõi”.

Theo hướng dẫn, chúng tôi lên tầng 1, tầng này đã thu hẹp lại nhưng diện tích vẫn là 320 mét vuông. Đây là nơi trưng bày tranh ảnh về Đất Mũi Cà Mau trên đường phát triển. Và tầng 2 có diện tích 152 mét vuông, là nơi trưng bày các di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Tôi thực sự xúc động khi bắt gặp lại những mẫu vật gạch gốm Hoàng thành Thăng Long cùng những bức ảnh Hà Nội vốn đã quá quen thuộc. Gặp lại Hà Nội ở Đất Mũi tôi mới thấm thía về ý nghĩa “Cột cờ Đất Mũi là biểu trưng của Thủ đô Hà Nội nơi tận cùng đất nước, biểu hiện của tinh thần non sông liền một dải. Là ý nghĩa của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”.

Qua đủ 248 bậc cầu thang đến tháp đỉnh cột cờ với thiết kế hình bát giác với nhiều ô cửa được lắp kính để đảm bảo an toàn và để ngăn gió mạnh, nhìn ra bốn phương tám hướng. Đây rồi, rừng tràm bạt ngàn ngỡ như tấm phông xanh khổ lớn đang rì rào gọi gió. Đây rồi, biển Đông dập dờn sóng vỗ như đưa đến câu hát trùng khơi cho những ước vọng vươn xa. Và đây nữa, phía bên dưới đã hiện ra con đường Hồ Chí Minh với điểm mốc số 0, biểu tượng cho niềm tự hào đất nước. Còn đây nữa, đó là đền thờ Lạc Long Quân trầm mặc bên tượng đài Mẹ Âu Cơ đang bồng trên tay những đứa con nước Việt. Và, và rất nhiều những hình ảnh cùng dòng người dường như mỗi lúc mỗi thêm đông đang dang tay “bước vào lễ hội”.

Cột cờ trên núi Rồng

Cũng như với Cột cờ Đất Mũi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi lên với cột cờ Lũng Cú trong chuyến lên Hà Giang công tác. Đón và hướng dẫn chúng tôi là các chiến sĩ của đồn Biên phòng Lũng Cú, đơn vị trực tiếp quản lý cột cờ. Các anh cho hay: “Cột cờ nằm trên đỉnh núi Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn) thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cột cờ xây dựng ở độ cao 1.470m so với mực nước biển. Nên có thể nói rằng: Đây chính là cột cờ Tổ quốc cao nhất nước ta!”. Các anh chiến sĩ biên phòng chỉ tay thẳng về hướng Bắc và cho biết: “Từ cột cờ tới đường biên giới trên thực địa theo đường chim bay chừng 2km. Dưới chân núi Lũng Cú là bản Lũng Cú. Chính những bà con người dân tộc thiểu số sinh sống ở bản là những người Việt Nam bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đầu tiên và bền bỉ nhất”.

Cột cờ Lũng Cú hiên ngang nơi địa đầu tổ quốc.

Cột cờ Lũng Cú hiên ngang nơi địa đầu tổ quốc.

Thích thú nhất là được biết: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc, có nghĩa là từ cách đây chừng 10 thế kỷ ông cha chúng ta không chỉ xác lập chủ quyền ở nơi địa đầu Tổ quốc, ở nơi là điểm cực Bắc của Tổ quốc mà cao hơn là đã giương cao lá cờ Tổ quốc ở nơi biên viễn xa xôi nhất nhưng sớm nhất. Thế mới thấm thía và thấy vô cùng ý nghĩa bởi để có được núi sông bờ cõi của ngày hôm nay các thế hệ cha ông chúng ta đã đổ bao máu xương để vun đắp nên sự vững bền cho lá cờ Tổ quốc ngày ngày ngạo nghễ tung bay.

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó như: Năm 1992, năm 2000 và đặc biệt là năm 2002 cột cờ Lũng Cú tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Đặc biệt là năm 2002, cột cờ Lũng Cú được xây dựng mới với trụ cột cao 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn.

Đồn Biên phòng Lũng Cú đã tổ chức cho chúng tôi làm lễ chào cờ Tổ quốc. Âm nhạc vang lên hùng tráng, bản Quốc ca hôm nay sao lắng đọng, sao bồi hồi, sao rạo rực đến thế. Trên đỉnh cột, lá cờ đỏ sao vàng có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam, được từ từ kéo lên.

Trong tôi âm thầm vọng tới “Vút cao lên giữa mây mù và gió/ Có bông hoa nở đỏ tim mình/ Hồn Tổ quốc khắc nên hình Đất nước”.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cot-co-to-quoc-o-hai-dau-dat-nuoc-i720287/