Cốt lõi là 'phông' văn hóa của dịch giả
Thế giới ngày càng có nhu cầu đối thoại và hợp tác nhiều hơn để giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trong đó văn hóa là chất xúc tác đặc biệt quan trọng cho sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các bên. Dịch thuật vì thế cũng có ý nghĩa không nhỏ trong việc tạo ra sự kết nối này. Nhưng để hiệu quả thì vấn đề văn hóa trong hoạt động chuyển ngữ bao hàm năng lực, kiến thức, kinh nghiệm ứng xử của dịch giả thực sự là yêu cầu cốt lõi.
Sách dịch chiếm tỷ lệ áp đảo tại các hiệu sách để đáp ứng nhu cầu rất lớn của bạn đọc.
Cầu nối giao tiếp liên văn hóa
Trong giao tiếp (nói rộng và đầy đủ là giao tiếp liên văn hóa giữa các quốc gia), con người phải sử dụng công cụ dịch thuật với hai phương thức là phiên dịch và biên dịch. Phiên dịch là chuyển nghĩa của lời nói bằng ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, hoặc dùng ngôn ngữ hình thể. Phiên dịch chủ yếu dùng khi giao tiếp trực tiếp; dịch ngay khi lời nói của một bên phát ra, nhưng có thể chỉ dịch ý mà không cần dịch đủ từng từ, từng câu nói. Gặp trường hợp khó thì có thể nói “vòng vèo”, thậm chí dùng sự hỗ trợ từ ngôn ngữ hình thể để bên nghe hiểu được ý bên nói. Còn biên dịch là chuyển nghĩa của văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; sử dụng thời gian dài hơn và phải đạt yêu cầu nghiêm ngặt hơn, không được cắt xén làm sai lệch ý tứ, chủ đề của văn bản.
Để dịch thuật thực hiện vai trò cầu nối giao tiếp liên văn hóa trong một thế giới đa văn hóa, rõ ràng dịch giả phải có hiểu biết, càng sâu sắc càng tốt, về nền văn hóa mà dịch giả đang tiếp xúc trong văn bản, về hai nền văn hóa, hoặc đa văn hóa. Điều này thì trong lịch sử dịch thuật nói chung ở nước ta, nhiều dịch giả, nhà văn hóa đã lên tiếng và có đúc kết.
Cố Giáo sư, dịch giả Nguyễn Văn Hoàn (1931 - 2015) từng chia sẻ, dịch giả không chỉ dịch chữ mà phải có cái nhìn bao trùm về khía cạnh văn hóa của văn bản để có bản dịch tốt nhất có thể. Thực vậy, dịch giả Trần Đương, gương mặt bền bỉ trong dịch thuật ở lĩnh vực ngôn ngữ Đức, cũng chia sẻ với Hànôịmới: Người dịch phải giỏi ngoại ngữ là điều đương nhiên, nhưng quan trọng nữa là phải giỏi tiếng Việt, hiểu sâu sắc lịch sử văn hóa hai nước. Mỗi tác phẩm đều là con đẻ của thời đại, do đó phải hiểu thời đại ra đời của tác phẩm để làm chủ tác phẩm. Tức là dịch giả nhất thiết phải có “phông” văn hóa tốt.
Từ yêu cầu cốt lõi này để nhìn nhận, có thể nói, đời sống dịch thuật ở nước ta đã phát triển rõ nét trong thời gian gần đây. Các tác phẩm dịch xuất hiện ngày càng nhiều về số lượng, phong phú về nội dung. Tuy nhiên, chất lượng các tác phẩm dịch hay nói cách khác, sự phản chiếu mức độ chuyên nghiệp, “phông” văn hóa của dịch giả chưa hẳn được như mong muốn. Dịch giả Thúy Toàn, Phụ trách Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga thẳng thắn nhận định: “Tác phẩm dịch bây giờ rất nhiều, xuất bản khá kịp thời. Tuy nhiên, đội ngũ dịch giả của chúng ta chưa mạnh. Ai cũng có thể dịch và dịch không lựa chọn, nên bên cạnh nhiều tác phẩm hay, chất lượng vẫn tồn tại không ít tác phẩm dịch qua loa, thậm chí nhiều sai sót. Dịch thuật là để truyền bá văn hóa mà thiếu chuyên nghiệp thì không những có lợi mà còn gây hại cả trước mắt và lâu dài”.
Vì sao lại tồn tại tình trạng này?
Những cái thiếu...
Dịch giả Thúy Toàn với vốn kiến thức và ngôn ngữ giàu có đã làm nên một danh hiệu “Nhà dịch thuật văn học Nga” nổi tiếng.
Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh tính đến tháng 12-2019 tăng 6,1% so với năm 2018. Việc tiếp cận xuất bản phẩm nước ngoài ngày càng mở rộng là điều kiện tốt, phần nào phản ánh sự phát triển hoạt động dịch thuật ở nước ta.
Như đã nói, dịch thuật Việt Nam đang có chiều hướng phát triển tốt nhưng hoạt động này cũng còn nhiều vấn đề cần bổ khuyết.
Cái thiếu thứ nhất là thiếu cái nhìn toàn cục trong quan hệ tác phẩm - người dịch - bạn đọc. Hầu hết dịch giả chỉ hướng vào tác phẩm chứ ít dự liệu sự tiếp nhận của bạn đọc, trong khi bạn đọc là nhân tố quyết định sự tồn tại của tác phẩm. Thời gian qua xuất hiện không ít “thảm họa dịch thuật” mà giới nghề và độc giả đã nhắc tới nhiều. Đáng buồn là những người “có trách nhiệm” lại thiếu cầu thị, thậm chí có người dịch còn coi thường, thách thức độc giả và công luận...
Cái thiếu thứ hai là thiếu sự kế thừa, giao lưu, tôn trọng lẫn nhau trong giới dịch thuật. Dịch giả Lương Việt Dũng cho rằng, hầu hết các dịch giả làm việc đơn lẻ, ít hoặc rất ít, thậm chí không bao giờ trao đổi với đồng nghiệp. Đó là một nguyên nhân dẫn đến những sai sót về dịch thuật và làm phương hại đến uy tín của dịch giả.
Cái thiếu thứ ba là thiếu một tổ chức nghề nghiệp có thể tập hợp các dịch giả hoạt động trên nền tảng một chuẩn mực cụ thể về dịch thuật; hỗ trợ các dịch giả để phát triển cộng đồng dịch thuật. Vì thế, nhiều dịch giả vẫn coi dịch thuật là “cuộc chơi sang trọng và lịch lãm” chứ chưa phải là nghề nghiệp chính.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 1982), người chuyển ngữ nhiều tác phẩm triết học, giáo dục của Nhật Bản sang tiếng Việt được chú ý thời gian gần đây như Lịch sử học là gì?, Cải cách giáo dục Nhật Bản... cũng có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này: Ở Việt Nam hiện nay, các dịch giả tự vận động là chủ yếu, không có diễn đàn chia sẻ học thuật. Các tác phẩm dịch cũng theo thị hiếu, do đó tác phẩm bán chạy chưa chắc là tác phẩm hay. Bên cạnh việc chưa sống được bằng nghề, thì chuyện dịch chạy theo thị hiếu cũng làm nhạt sự say mê và tính chuyên nghiệp của dịch giả.
Ở Nhật Bản, lao động dịch thuật được đánh giá cao. Họ có các hiệp hội về dịch thuật để trao đổi thông tin, chia sẻ học thuật và đặc biệt là bảo vệ dịch giả, chống phá giá. Đây là những điều kiện thuộc về môi trường lao động rất cần thiết để củng cố yếu tố văn hóa trong dịch thuật.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến việc thiếu môi trường tương tác với độc giả. Các hoạt động giới thiệu tác phẩm dịch mới, giao lưu với dịch giả, bạn đọc đã xuất hiện trong thời gian gần đây, song chưa đủ tạo nên những không gian trao đổi thường xuyên và hiệu quả hơn để thúc đẩy dịch thuật theo chiều hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu.
“Công trình kể biết mấy mươi”
Dịch thuật là một công việc khó khăn, đòi hỏi thái độ lao động nghiêm túc, có trách nhiệm, cộng với sự ưa thích là yếu tố thúc đẩy. Nhìn nhận dịch thuật từ góc độ văn hóa, đặt ra vấn đề văn hóa dịch thuật là để tạo ra bước tiến chắc chắn của văn hóa dịch thuật, hướng tới nâng cao chất lượng dịch thuật.
Trước kia, dịch thuật Việt Nam sử dụng cách thức phổ biến là phỏng dịch (phóng tác và Việt hóa). Tuy nhiên, cách làm đó vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến trình độ người đọc vừa gây tác hại cho nền văn hóa trong nước. Vì thế, cách thức dịch thuật bám sát nguyên tác đã thay thế và trở thành phổ biến. Trình độ người đọc cũng ngày một được nâng cao. Một trong những yêu cầu quan trọng là dịch giả phải cung cấp nguyên bản cho độc giả, cho người đối thoại trong tranh luận về dịch thuật. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm cho rằng, người dịch phải luôn cầu thị, giao lưu học hỏi các dịch giả trong và ngoài nước để học cách làm việc cẩn thận và trách nhiệm.
Rất nhiều dịch giả đã bày tỏ mong muốn nước ta sớm có những tổ chức chuyên nghiệp về dịch thuật nói chung như hiệp hội, trung tâm dịch thuật và có quỹ dịch thuật nói chung để đưa hoạt động này lên tầm cao mới.
Nếu nói cốt lõi văn hóa dịch thuật nằm ở nhân tố “người dịch” thì để cải thiện vấn đề này, trước hết cũng phải trông chờ vào chính các dịch giả. Điều kiện để tự hoàn thiện về nghề của dịch giả trong điều kiện hiện nay chắc chắn thuận lợi hơn người xưa rất nhiều. Chỉ có ý chí, tinh thần hy sinh và niềm đam mê là không bao giờ đủ và luôn phải học hỏi người đi trước.
Trước sự thay đổi thường xuyên trong ngôn ngữ nói riêng và xã hội nói chung, người biên dịch, phiên dịch chuyên nghiệp phải thường xuyên củng cố hiểu biết về ngôn ngữ và sự nhạy cảm về văn hóa, tiếp tục học tập trong thực tiễn đời sống. Cần hành động theo tinh thần đồng đội bằng cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm; hạn chế những ngôn từ mang tính tiêu cực khi nói về các đồng nghiệp.
Dịch giả Thúy Toàn:
Dịch là công việc cần sự chuyên nghiệp
Văn hóa trong dịch thuật được hiểu một cách giản dị là người dịch phải luôn coi chuyển ngữ là một công việc nghiêm túc thực sự để truyền bá kiến thức, văn hóa; phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp. Đằng sau ngôn ngữ luôn nhớ đó chính là văn hóa!
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/958832/cot-loi-la-phong-van-hoa-cua-dich-gia