Cột mốc đáng buồn của nhân loại
Hôm 15-1 (giờ Bắc Mỹ), thế giới ghi nhận cột mốc đáng buồn với 2 triệu người tử vong do virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Số ca nhiễm trên toàn cầu cũng đang nhanh chóng cán mốc 100 triệu ca.
Đài CNN cho biết số liệu thống kê trên là của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ). Cột mốc bi thảm này được ghi nhận chỉ hơn 1 năm sau khi cái chết đầu tiên do Covid-19 được báo cáo ở TP Vũ Hán - Trung Quốc (ngày 9-1-2020).
Mặc dù con số 2 triệu đã đủ gây kinh hoàng nhưng các chuyên gia tin rằng số người chết thực sự có thể cao hơn nhiều bởi chỉ những trường hợp tử vong được xác nhận mới được kiểm đếm, trong khi những người chết mà không chẩn đoán chắc chắn có thể không được đưa vào danh sách. Một trong các nguyên nhân là hoạt động xét nghiệm còn hạn chế ở nhiều quốc gia.
Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại Trường ĐH Washington (Mỹ), ông Christopher Muray, dẫn một bản phân tích về tỉ lệ tử vong do Covid-19 cho thấy 1/5 số người chết có thể không được kiểm đếm.
Ông Muray viết trong email gửi đài CNN: "Chúng tôi nhận thấy rằng tổng số ca tử vong cao hơn 20% so với báo cáo. Tỉ lệ này khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Có những trường hợp nghiêm trọng như Ecuador, Peru... - nơi có tổng số ca tử vong cao hơn 300%-500% so với báo cáo". Khi các chương trình tiêm chủng bắt đầu triển khai trên toàn thế giới, hy vọng được thắp lên dù có thể mất vài năm để tất cả mọi người được tiêm vắc-xin Covid-19.
Trong khi đó, đại dịch ngày càng trở nên khó lường. Số người chết tăng nhanh hơn bao giờ hết. Theo đài CNN, phải mất 8 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát để thế giới ghi nhận 1 triệu trường hợp tử vong. Chưa đầy 4 tháng sau, thêm 1 triệu người mất mạng. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Đức, Thụy Điển, Indonesia, Israel và Nhật Bản, đã trải qua những ngày chết chóc nhất của đại dịch trong tuần rồi. Cho đến nay, Mỹ ghi nhận số người chết do Covid-19 cao nhất thế giới, tiếp theo là Brazil, Ấn Độ và Mexico.
Virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến nhóm người cao tuổi nặng nhất song nhóm người trẻ tuổi cũng bị "hỏi thăm". Tương tự, tỉ lệ tử vong ở nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, người nhập cư và nhân viên y tế tuyến đầu cao hơn nhiều nhưng virus SARS-CoV-2 cũng không tha nhóm người nổi tiếng và hoàng tộc.
Đáng lo ngại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 15-1 cảnh báo một biến thể virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn có thể khiến số ca tử vong và ca nhiễm tăng mạnh, gây áp lực lên các bệnh viện. Bác sĩ Jay Butler, Phó Giám đốc Bộ phận Các bệnh truyền nhiễm của CDC, nói với báo The New York Times: "Chúng tôi cực kỳ lo ngại chủng virus mới dễ lây lan hơn và có thể đẩy nhanh các đợt bùng phát dịch ở Mỹ trong những tuần tới".
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đang đề xuất chi hơn 400 tỉ USD để chống lại đại dịch và thúc đẩy việc phân phối vắc-xin Covid-19.
Ấn Độ hôm 16-1 bắt đầu đợt tiêm chủng lớn nhất thế giới dành cho 30 triệu bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế tuyến đầu, tiếp theo là 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc mắc các bệnh dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cot-moc-dang-buon-cua-nhan-loai-20210116221747614.htm