'Cột mốc' quan trọng của Cuba

Ngày 10/10, phiên họp bất thường của Quốc hội Cuba diễn ra với nhiệm vụ bầu chọn các chức danh lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước, được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong đời sống chính trị của đảo quốc Caribe.

Đây là bước triển khai theo lộ trình đã được vạch ra trong Hiến pháp mới và được tiến hành theo những quy định của luật Bầu cử - mà cùng với luật Biểu tượng quốc gia, là những luật đầu tiên của Hiến pháp mới được thông qua tháng 2 vừa qua.

 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez được Quốc hội nước này bầu vào cương vị Chủ tịch nước. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez được Quốc hội nước này bầu vào cương vị Chủ tịch nước. Ảnh tư liệu

Với 579 phiếu ủng hộ trên tổng số 580 phiếu bầu, Quốc hội Cuba đã bầu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Miguel Díaz-Canel Bermúdez vào cương vị Chủ tịch nước, chức danh mới được Hiến pháp 2019 khôi phục và quy định là người đứng đầu bộ máy nhà nước. Trong diễn văn nhậm chức, tân Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel nhấn mạnh: “Cách mạng không phải là cuộc đấu tranh vì hiện tại, mà là cuộc đấu tranh vì tương lai; Cách mạng luôn đặt tầm nhìn của mình vào tương lai và vào Tổ quốc. Xã hội mà chúng ta nhận thức là công bằng và xứng đáng với mọi con người, là xã hội của ngày mai".

Sau khi nêu bật những đóng góp to lớn cùng tầm nhìn vượt thời đại của lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Rául Castro, người đứng đầu Nhà nước Cuba khẳng định các ông đã làm thay đổi vận mệnh đất nước Cuba trong chặng đường suốt 60 năm qua, đào tạo ra nhiều thế hệ những con người cách mạng mới và “đất nước giờ đây có cam kết là làm cho nảy nở, sinh sôi những trí tuệ, tài năng mà Cách mạng đã hun đúc”.

Cũng trong phiên họp bất thường ngày 10/10, Quốc hội Cuba đã bầu Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Salvador Valdes Mesa vào cương vị Phó Chủ tịch nước, với tỷ lệ phiếu ủng hộ 569/580 phiếu bầu. Trước đó, các đại biểu cũng bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Quốc hội, cùng các thành viên khác trong Hội đồng Nhà nước. So với hệ thống của bản Hiến pháp 1976 (có hiệu lực tới năm 2019), Hội đồng Nhà nước - vốn là cơ quan thường vụ của Quốc hội - sẽ quay về với chức năng lập pháp và giám sát thuần túy hơn, không còn là cơ quan trực tiếp đưa ra những quyết sách cụ thể.

Một chức danh nữa cũng được Hiến pháp 2019 khôi phục là Thủ tướng Chính phủ, thường được hiểu là vị trí thay thế trực tiếp cho chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trước đây, nhưng sẽ gánh vác trọng trách hành pháp trọn vẹn hơn.

Theo lộ trình dự kiến, trong kỳ họp thường kỳ cuối năm vào tháng 12 tới, tân Chủ tịch nước sẽ đề cử ứng viên Thủ tướng để Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Cũng theo quy định, tất cả những người giữ các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước kể trên đều phải được bầu chọn trong số các đại biểu Quốc hội, và nhiệm kỳ sẽ chính thức bắt đầu kể từ khi được Quốc hội bầu chọn hoặc thông qua, với quy định mỗi người chỉ được đảm nhiệm một chức danh lãnh đạo tối đa 2 nhiệm kỳ 5 năm. Đây chính là những bước đi nền móng đầu tiên theo Hiến pháp mới tiến tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, phù hợp hơn với sự nghiệp phát triển đất nước Cuba trong giai đoạn lịch sử mới và trong bối cảnh thế giới mới, đặc biệt là trong việc triển khai công cuộc “Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội”.

Với vai trò trên, giới chuyên gia đánh giá phiên họp này là sự kiện quan trọng trong quá trình tìm kiếm các “nguồn năng lượng mới” cho công cuộc “Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội” của “hòn đảo tự do”. Những “nguồn năng lượng mới” ấy sẽ giúp Cuba tận dụng tốt hơn sức mạnh của thời đại, hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới để tiếp nối con đường cách mạng, trên nền tảng vững chắc là truyền thống đấu tranh, ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết cao độ trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào trước đó.

Hoài Anh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/cot-moc-quan-trong-cua-cuba-75076.html