Cột mốc số 0 và con đường Trường Sơn huyền thoại
Đường Trường Sơn được thành lập vào đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1959, nên còn được gọi là Đường 559. Điểm khởi đầu (thường được gọi là Cột mốc số 0) của con đường huyền thoại này nằm tại thị trấn Lạt (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).
Từ nơi đây, con đường được nối dài, mở ra với 5 trục dọc Đông và Tây Trường Sơn, 21 trục ngang liên hoàn với tổng chiều dài gần 20.000km, ngoài ra còn có tuyến đường sông dài trên 500km, đường xăng dầu với tổng chiều dài hơn 1.400km.
Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ/TT-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước.
Trong thời chiến cũng như ở thời bình, cột mốc số 0 của con đường Trường Sơn huyền thoại, nay là đường Hồ Chí Minh đã trở thành điểm hẹn lịch sử ghi dấu bao chiến tích oai hùng của quân và dân ta, là nơi giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ tiếp bước cha ông trên tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cột mốc số 0 thuộc thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, tự hào là nơi khởi nguồn của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây, đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/4/1990.
Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến tranh, mà ngày nay còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội...Năm 1989, đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng lại theo tiêu chuẩn quốc gia và gắn với con đường huyền thoại này là cột mốc số 0.
Cột mốc số 0 hiện đã được tu sửa, xây dựng lại uy nghi, bề thế với khuôn viên rộng 600m2, có nhà truyền thống trưng bày các hiện vật của thời chiến tranh, là nơi phục vụ nhân dân cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu...
Hiện nay, cuộc sống mới của người dân ở hai bên đường Hồ Chí Minh và cột mốc số 0 đang từng ngày được thay da đổi thịt, ấm no và tràn đầy hạnh phúc. Để có được thành quả như ngày hôm nay, chúng ta không thể quên những hy sinh cao cả mà thế hệ cha ông ta đã trải qua.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã huy động sức người, sức của để phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam.
Vào tháng 5/1959, trước tình hình chiến tranh tại miền Nam diễn ra vô cùng ác liệt, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bàn để đề ra phương án cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trước yêu cầu cấp bách của hoàn cảnh lịch sử, cần phải có một tuyến vận tải chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, Lào và cả Campuchia, ngày 19/5/1959, Bác Hồ đã quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược dọc dãy núi Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh ngày nay).
Thượng tá Võ Bẩm, quê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), nguyên Cục phó Cục Nông trường là người được Tổng quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức "Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày 9/9/1964, có hàng vạn công binh, thanh niên xung phong, nhân dân thuộc các huyện của tỉnh Nghệ Tĩnh cũ đã tập trung để khởi công đoạn đường này. Họ đã lập một kỳ tích, đào bới hàng ngàn khối đất đá, khôi phục hàng chục cầu cống, trực tiếp bắn rơi máy bay và bắt nhiều giặc lái.
Tại điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Tân Kỳ, những người mở đường năm ấy đã dùng một cây gỗ lớn và khắc thành “Cây số 0” để xác lập điểm khởi đầu của con đường.
Ngày 27/11/1972, cán bộ công đoàn Đoàn 559 đã khởi công xây dựng tuyến đường Đông Trường Sơn, nối đến tận Lộc Ninh là tuyến mạch máu cung cấp hậu cần góp phần để quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ghi nhận những thành tích và chiến công của vùng đất khởi đầu tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang" cho Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ. Đường Hồ Chí Minh đi qua 6 xã của huyện đã làm thay đổi diện mạo địa phương, nhiều nơi từ mảnh đất sỏi đá khô cằn trở thành vùng đất trù phú nhờ biết khai thác lợi thế của con đường đã mở, giao thông đi lại thuận lợi, an toàn.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cot-moc-so-0-va-con-duong-truong-son-huyen-thoai-376967.html