Cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa trong trường học
Năm 2012, Trường THCS Mạo Khê 2, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) xây dựng mô hình cột mốc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong khuôn viên nhà trường.
Qua đó giúp học sinh nhận diện rõ chủ quyền hai quần đảo của Việt Nam, đồng thời tăng cường kiến thức lịch sử, địa lý một cách tự nhiên, hiệu quả.
Khơi dậy tình yêu quê hương đất nước
Nhiều năm nay, phụ huynh, học sinh Trường THCS Mạo Khê 2 đã quen thuộc với cột mốc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nằm trong khuôn viên nhà trường. Đến giờ ra chơi, từng tốp học sinh lại quây quần, trò chuyện, chia sẻ những kiến thức về biển đảo quê hương bên cột mốc.
Bùi Phương Bảo Hân - lớp 8C3 cho biết, ngày đầu vào trường, em khá ấn tượng khi thấy hai cột mốc xuất hiện trong trường bởi trước đó em chỉ thấy trên tivi, sách báo mỗi khi nhắc đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đây là mô hình liên quan đến lịch sử và rất quan trọng, cần thiết với học sinh. Giúp các em thêm hiểu biết kiến thức về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
“Giờ ra chơi bạn em thường ra đọc những nội dung trên tấm bảng để biết nhiều hơn thông tin, lịch sử đất nước. Hôm nào tiết học liên quan đến chủ đề biển đảo, thầy cô sẽ dẫn cả lớp đứng xung quanh hai cột mốc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để thuyết trình, giảng dạy. Học với mô hình thực tế khiến chúng em cảm nhận sự chân thực hơn qua sách, báo”, Bảo Hân nói.
Còn theo Nguyễn Thị Hà Phương - lớp 8C3, hai mô hình này rất cần thiết khi học môn Lịch sử bởi qua đó học sinh thấy việc dễ hiểu, chân thực, dễ nhớ. “Đứng trước mô hình và được thầy giáo thuyết minh về Trường Sa, Hoàng Sa, em thấy biết ơn những anh hùng đã hy sinh cho Tổ quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Hà Phương chia sẻ.
Thầy Hoàng Kim Phương - giáo viên Văn, Sử cho biết, quá trình dạy học tại 2 mô hình cho thấy nhà trường có sự sáng tạo tuyệt vời trong đổi mới phương pháp dạy học. Hai mô hình cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa mang lại tác dụng lớn cho việc dạy học lịch sử. Ví dụ, khi dạy chương trình Lịch sử lớp 8 thì có bài nhà Nguyễn đã thể hiện chủ quyền của nước ta trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
“Theo chướng trình, tôi dạy mỗi tuần/2 tiết, có tiết nói về bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì đã có ngay mô hình trong trường để học sinh được nhìn trực tiếp. Từ đó các em thấy được đất nước ta đã xác lập chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa từ thời chúa Nguyễn, sau đó đến thời Tây Sơn và đặc biệt thời Vua Gia Long, Minh Mạng. Đó là quãng thời gian rất dài, đất nước đã khẳng định được chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa”, thầy Phương chia sẻ.
Thầy Phương cho biết thêm, thời kỳ Vua Gia Long đã khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ hành chính của Việt Nam. Đến thời vua Minh Mạng thì chính thức cho vẽ lại bản đồ đất nước, và trong bản đồ nước ta có Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc đưa học sinh đến cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa giới thiệu giúp các em hiểu rõ và học tập hiệu quả hơn việc chỉ nhìn trên trang sách. Và như thế, học sinh mới thấy và biết rằng Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta đã được khẳng định chủ quyền từ rất lâu.
“Có thể nói, việc giáo dục bằng mô hình như nhà trường đang triển khai, học sinh sẽ thấy tự hào hơn về biển đảo quê hương và thêm yêu Tổ quốc. Biết được chính xác vùng trời, vùng biển của đất nước, tiềm lực kinh tế sẽ phát triển mạnh trên cơ sở có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, thầy Phương nói.
Tăng cường trách nhiệm bảo vệ chủ quyền
Cô Trần Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê 2 cho biết, mục đích xây dựng khu biển, đảo trong nhà trường nhằm giáo dục lòng yêu nước, chủ quyền biên giới, biên giới hải đảo của Tổ quốc cho các thế hệ học sinh nhà trường.
Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn quan tâm, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho học sinh thông qua lồng ghép nội dung tuyên truyền trong tiết học chính khóa môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo…
“Các hoạt động, mô hình thiết thực đã giúp học sinh nâng cao hiểu biết, ghi nhớ công ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, cô Tuyết chia sẻ, đồng thời khẳng định việc đổi mới phương pháp giáo dục đã giúp học sinh nhà trường nhận thức đúng đắn về biển, đảo quê hương, hun đúc tình yêu, trách nhiệm của các em trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo cô Tuyết, mô hình cột mốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không gian lý tưởng để học sinh trải nghiệm thực tế, có thêm kiến thức vị trí địa lý, lãnh thổ đất liền, biên giới, biển đảo Việt Nam. Qua mô hình dạy học trực quan này, nhà trường mong muốn giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, biển, đảo cho các thế hệ học sinh; giúp các em hiểu được sự hy sinh to lớn trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo của các thế hệ đi trước.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cot-moc-truong-sa-hoang-sa-trong-truong-hoc-post682422.html