Covid-19: Ẩn số tại Châu Phi
Các chuyên gia vẫn chưa thể lý giải tại sao rất ít trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới được báo cáo ở Châu Phi, bất chấp việc Trung Quốc - nơi bắt nguồn của loại virus này - là đối tác thương mại hàng đầu của lục địa có dân số 1,3 tỷ người.
Các chuyên gia vẫn chưa thể lý giải tại sao rất ít trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới được báo cáo ở Châu Phi, bất chấp việc Trung Quốc - nơi bắt nguồn của loại virus này - là đối tác thương mại hàng đầu của lục địa có dân số 1,3 tỷ người.
Mặc dù số trường hợp nhiễm Covid-19 ở Ai Cập tăng vọt từ 2 lên 59 vào cuối tuần qua, bao gồm 33 người đang đi tàu Nile, thì trên khắp Châu Phi, số trường hợp vẫn ở mức thấp. Tính đến sáng 10-3, Châu Phi chỉ có 95 trường hợp nhiễm bệnh, mặc dù hai quốc gia - Togo và Cameroon - đã báo cáo những trường hợp đầu tiên vào cuối tuần qua. Sự lây lan ở Châu Phi là mối quan ngại lớn vì hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều nước tại đây được cho là kém phát triển, và lục địa này đã phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn, đặc biệt là sốt rét, lao và HIV.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gấp rút tăng cường khả năng của các nước Châu Phi trong việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng như đào tạo các chuyên gia y tế chăm sóc những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Hồi cuối tháng 1, chỉ có Senegal và Nam Phi có phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm SARS-CoV-2, 37 quốc gia khác vẫn chưa có khả năng xét nghiệm.
Bà Mary Stephen của WHO làm việc tại Brazzaville, Cộng hòa Congo, tin rằng việc xét nghiệm các trường hợp là chính xác vì hơn 400 người đã được xét nghiệm Covid-19 trên khắp Châu Phi cho đến nay. Ông Mark Woolhouse tại Đại học Edinburgh, Anh, cho rằng việc không có trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 ở Châu Phi cho thấy chưa có sự bùng phát lớn tại đây. “Nếu có những vụ dịch lớn, tương tự quy mô ở Italia và Iran hiện nay, ở bất cứ nơi nào tại Châu Phi, tôi chắc chắn số người chết sẽ vượt xa con số hiện nay”, ông nói.
Trả lời câu hỏi liệu số các trường hợp thấp là do không được phát hiện hay đơn giản là SARS-CoV-2 chưa lây lan sang nhiều nước Châu Phi, David Heymann tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London (LSHTM) cho biết không ai có thể trả lời câu hỏi này. Ông Jimmy Whitworth, một chuyên gia khác tại LSHTM cho rằng, chúng ta không thể nói tại sao số ca nhiễm bệnh quá thấp, nhưng có thể là do các quốc gia Châu Phi thực hiện đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Hầu hết các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Châu Phi không đến từ Trung Quốc mà đến từ Châu Âu. 4 quốc gia Châu Phi đã áp dụng kiểm dịch đối với du khách từ các điểm nóng Covid-19. Ông Whitworth cho biết, việc giám sát để phát hiện virus tại các sân bay và các tuyến đường nhập cảnh vào Châu Phi khác đang được nỗ lực thực hiện, chẳng hạn như sự phối hợp của WHO và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Châu Phi và Mỹ. “Rwanda đã tuyển dụng sinh viên y khoa năm cuối để thực hiện sàng lọc tại các sân bay”, ông Woolhouse nói.
Bà Vittoria Colizza tại Đại học Sorbonne, Pháp, tác giả một bài báo về lỗ hổng của các quốc gia Châu Phi đối với Covid-19, cho biết sự kết hợp của các yếu tố đã giúp số lượng các ca nhiễm Covid-19 tại Châu Phi thấp. Một lý do đơn giản khác có thể là bản chất của virus: rất nhiều người có thể bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Bà cho rằng việc thiếu năng lực giám sát có thể là nguyên nhân. Phân tích của Coleather từ 300 trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc cho thấy khoảng 60% những người bị nhiễm bệnh được phát hiện. Một nghiên cứu khác do Ashleigh Tuite tại Đại học Toronto, Canada, thực hiện cho thấy 27-75% số ca nhiễm bệnh được phát hiện tại Italia, kể cả các trường hợp đến từ các nước khác và lây truyền trong cộng đồng.
Mặt khác, dù các nước Châu Phi dễ bị tổn thương nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn với Covid-19. Một mặt, dân số Châu Phi trẻ hơn nhiều so với ở Châu Âu và Trung Quốc. Độ tuổi dân số trung bình ở Anh là 40,2 và ở Trung Quốc là 37, nhưng con số này là ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi là 17,9. “Nếu bạn nhìn vào số liệu thống kê từ Trung Quốc, những người có tiên lượng xấu là những người lớn tuổi”, bà Stephen nói. Nhưng mặt trái là hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước Châu Phi thường rất mong manh. “Nếu dịch bệnh bùng phát, nó sẽ đánh sập các hệ thống chăm sóc sức khỏe”, ông Heymann cho biết. Một điểm trừ khác là hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước Châu Phi không thể chuyên tâm cho việc chống Covid-19 bởi nó còn phải giải quyết nhiều bệnh khác gây gánh nặng cho khu vực, chẳng hạn như sốt rét và sởi. Ông Woolhouse lấy ví dụ, đại dịch Ebola 2014-2016 khiến hàng ngàn người tử vong là do các nguồn lực bị chuyển hướng khỏi các bệnh khác.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_221620_covid-19-an-so-tai-chau-phi.aspx